Friday, April 28, 2023

 + Văn học Việt Nam Cộng Hòa: 20 năm "chói sáng" và "huy hoàng", (VOA, 27/4/23) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/republic-of-vietnam-literature-a-glorious-period-of-literary-achievements-04272023013829.html

Nền văn học của Việt Nam Cộng Hòa trải dài hai thập kỷ ở miền Nam Việt Nam trước đây xứng đáng được đánh giá là một chương sử “chói sáng” và là một thành tựu “rất huy hoàng” trong toàn lịch sử văn học Việt Nam và thời kỳ hiện đại, một ý kiến từ trong giới văn học, nghệ thuật và báo chí độc lập tại Việt Nam nêu quan điểm với Đài Á Châu Tự Do hôm 26/4/2023.

“Cũng như tất cả những người yêu văn học mà không có định kiến gì về chính trị, tôi nghĩ rằng mấy mươi năm của nền văn học của Việt Nam Cộng Hòa phải nói là một chương sử quá chói sáng trong lịch sử của nền văn học Việt Nam nói chung và văn học hiện đại Việt Nam nói riêng,” từ Sài Gòn, nhà thơ, dịch giả, nhà báo Hoàng Hưng chia sẻ nhận định trên quan điểm riêng với RFA Tiếng Việt, trong dịp 48 năm biến cố 30/4/1975 của Việt Nam đang được đánh dấu.

Theo nhà thơ Hoàng Hưng, nền văn học Việt Nam Cộng Hòa vốn trải dài trong giai đoạn từ 1954-1975 có kích thước, tầm vóc “rất lớn” với ít nhất năm đặc điểm mà theo ông là nổi bật. 

“Thứ nhất, đó là một thời kỳ mà văn học phát triển rất mạnh mẽ và so sánh kể cả với văn học thời kỳ tiền chiến, nền văn học này cũng vượt trội hẳn, có thể thấy ngay qua số lượng tác giả được ghi nhận có tên tuổi cũng tới vài trăm, hay là về số lượng các tạp chí chuyên về văn học, cũng có hàng chục tạp chí trong số đó có nhiều tờ rất nổi tiếng. Cũng từ đó, có thể thấy tính chuyên nghiệp của nền văn học trong thời kỳ này rất cao. Chuyên nghiệp ở chỗ nào, tôi chỉ lấy một ví dụ nhỏ là số lượng tác phẩm của từng tác giả rất lớn…

Đặc điểm thứ hai là sự phong phú, đa dạng, rất nhiều giọng, nhiều chiều, nhiều tư tưởng, nhiều quan điểm, mà có cái hay là đều chung sống hòa bình với nhau, không hề có sự đố kị hay là đàn áp nhau. Một thí dụ quan trọng nhất là ở tư tưởng chính trị chẳng hạn, có thể thấy trong hàng ngũ nhà văn miền Nam cũng đa dạng… 

Về phương pháp, sáng tác và phong cách cũng thấy rất đa dạng, phong phú, vẫn còn sót lại của chủ nghĩa lãng mạn, rồi dân dã, sự trở lại của cổ phong, rồi tả thực, siêu thực v.v…, tức là có đủ các phương pháp và phong cách. Chỉ cần nói về thơ chẳng hạn và nêu vài cái tên đã thấy sự khác nhau ghê gớm thế nào, ví dụ Thanh Tâm Tuyền, đến Tô Thùy Yên, Nguyễn Đức Sơn, đến Bùi Giáng, đến Nguyên Sa, rồi Phạm Thiên Thư. Có thể thấy sự khác nhau là ghê gớm, từ thơ tự do, thơ cổ phong, thơ lục bát, thơ văn xuôi, chung sống thoải mái.

Đặc điểm thứ ba, đây là một nền văn học thấm đẫm tinh thần tự do và nhân bản, không mang một ý đồ phục vụ chính trị nào, có thể nói nhiều lúc tạo cảm tưởng là “phi chính trị” … Tinh thần phi chính trị như thế đương nhiên có nhiều yếu tố có lợi cho đối thủ. Trong khi ngược lại, ở miền Bắc là một nền văn học hoàn toàn tuyên truyền, tuyên truyền cho chiến tranh, chiến đấu mà có người còn dùng từ thậm xưng lên là một nền “văn học trại lính”. Tinh thần của văn chương Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam Việt Nam trong thời kỳ này là như thế, không có chính trị, nhưng tất cả những gì thuộc về con người thì đều được tự do bộc lộ, không có một ngăn cản, hạn chế gì.”

Một nền văn học tự do, nhân bản đúng nghĩa

Tới đây, trên tư cách tự nhận là một người có điều kiện đọc khá nhiều về văn học Việt Nam Cộng Hòa giai đoạn 1954-1975 mà không phải là một nhà lý luận, hay phê bình, nhà thơ Hoàng Hưng mở một dấu ngoặc về vấn đề kiểm duyệt, ông so sánh điều này giữa hai nền văn học ở hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội đối nghịch nhau trên mảnh đất Việt Nam thời kỳ đó, ông nói:

“Trong ý này, có một điều liên quan sự kiểm duyệt, ở miền Nam, Việt Nam Cộng Hòa có một hệ thống kiểm duyệt công khai, nhưng nhiều nhà văn thuật lại nói hệ thống này chỉ kiểm duyệt những gì quá bất lợi cho chính quyền, mà người ta cũng chỉ “bỏ đi một số dòng, câu chữ”, hay một hai tác phẩm không được cho xuất bản, nhưng làm rất công khai và người ta có quyền khiếu nại về chuyện đó, chứ không như là ở văn học miền Bắc thời đó nói rằng không có kiểm duyệt.

Nhưng thực ra hệ thống kiểm duyệt vô cùng chặt chẽ với sự kiểm duyệt bằng cả một hệ thống con người, từ Ban Tuyên giáo cho đến công an, cho đến Bộ Văn hóa, và quan trọng hơn, điều này làm cho các nhà văn lâm vào một tình trạng gọi là phải tự kiểm duyệt, nếu không sẽ không an toàn trong đời sống, nên khi từ ngòi bút họ viết ra, họ đã phải tự kiểm duyệt rồi, không thể làm điều gì mà trái với tư tưởng, đường lối của đảng Cộng sản cả. Cho nên khó có một nền văn học tự do và nhân bản đúng nghĩa.” 

Nói tiếp về các đặc điểm mà cũng có thể được coi là những giá trị, là di sản nổi bật của nền văn học Việt Nam Cộng Hòa trong hai thập niên từ 1954-1975, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng, nhận định:

“Đặc điểm thứ tư của nền văn học thời kỳ này là có một sự ảnh hưởng rất mạnh mẽ về triết học, về triết lý, đó là điều mà ngay ở thời kỳ văn học gọi là tiền chiến cũng chưa rõ… Những ảnh hưởng của triết học phương Tây quá rõ, như là hiện sinh, rồi đến hiện tượng luận, cho đến phân tâm học, có ảnh hưởng đến các nhà văn rất là lớn, hay chưa hẳn là triết học, nhưng những tư tưởng triết lý sống của phương Tây lúc ấy cũng du nhập rất mạnh, như tư tưởng nữ quyền, giải phóng phụ nữ… 

Điều đó có tác động rất rõ đối với văn học Việt Nam Cộng Hòa, với sự hình thành mạnh mẽ một lớp nhà văn nữ rất là nổi, từ Túy Hồng, rồi Nguyễn Thị Hoàng, Thụy Vũ v.v… Đấy là đặc điểm khác với văn học miền Bắc và đương nhiên nó khác cả với thời kỳ tiền chiến nữa, văn học thời tiền chiến chưa có những hiện tượng như thế.”

Thấm đẫm tính triết học và chất lượng rất cao

Theo nhà thơ Hoàng Hưng, yếu tố tư tưởng và triết học phương Đông, trong đó có Phật giáo cũng có tác động và in dấu ấn đối với văn học Việt Nam Cộng Hòa trong hai thập niên lịch sử trước 30/4/1975, ông nói tiếp:

“Thế nhưng cũng không phải chỉ có triết học phương Tây, mà một điều thứ hai không kém phần là triết lý Phật giáo, cũng trong giai đoạn này, những sách về Phật giáo ra mắt rất nhiều, có thể nói là một cuộc Phục hưng về Phật giáo trong lịch sử của Việt Nam. Tức là từ các sách của những nhà xuất bản như Lá Bối của thày Thích Nhất Hạnh, rồi rất nhiều những sách kinh, sách Phật giáo, tôn giáo được dịch thuật, như là Krishnamurti, Osho, rồi Suzuki.

Cho nên những điều này tác động rất lớn đến đời sống tinh thần của người miền Nam và đương nhiên tác động đến các nhà văn mà chúng ta đã biết, có rất nhiều tác giả nổi tiếng ở miền Nam lúc bấy giờ được ưa chuộng, mà đã chuyên chở được tinh thần và ý thức Phật giáo như là Thích Nhất Hạnh, Tuệ Sĩ, Phạm Thiên Thư, và ngay cả lời bài hát của Trịnh Công Sơn cũng là văn học, cũng là thơ mà thấm đẫm triết lý Phật giáo.”

Về đặc điểm thứ năm của nền văn học Việt Nam Cộng Hòa, ông Hoàng Hưng nói tiếp:

“Đó là nó tiếp tục tiếp thu được những trào lưu nghệ thuật phương Tây đương thời, điều này tôi cho là sự tiếp tục của nền văn học giai đoạn thời kỳ tiền chiến… Đến thời kỳ sau năm 1954, các tác giả mà phần lớn là những người có Tây học, đọc được sách ngoại ngữ, và dịch thuật rất nhiều, đã có sự tiếp nhận được rất nhiều những phương pháp nghệ thuật, các trào lưu nghệ thuật mới lúc đó của phương Tây như là siêu thực, hiện sinh, phi lí, hay là dòng ý thức, điều này rất rõ trong nhiều tác phẩm. 

Đến đây, tôi muốn nói đến một bộ phận nữa đó là sách dịch, bộ phận rất lớn, có thể nói đây là một thời kỳ dịch thuật rất quý báu đối với đời sống tinh thần của người ở miền Nam nói chung, chứ không chỉ nói riêng đối với văn học, tức là rất nhiều sách về triết học, xã hội học, khoa học xã hội, nhân văn, tiểu thuyết của phương Tây được dịch ra ồ ạt… Số có chất lượng rất là đông đảo và có thể nói đây là một kho báu đối với chúng tôi, là những người gọi là nhà văn, nhà báo, người viết lách ở miền Bắc mà sau 30/4/1975 vào Nam, mà ra các ‘chợ sách vỉa hè’ thì có thể ôm không biết bao nhiêu sách dịch như vậy về, còn ở miền Bắc, do hoàn cảnh chiến tranh, cũng chỉ dịch được một số tác phẩm, không nhiều lắm, mà chủ yếu từ tiếng Nga là nhiều”.


Đối xử của chính quyền Việt Nam gần đây với dòng văn học này

Bình luận về đối xử của chính quyền của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam đối với dòng văn học Việt Nam Cộng Hòa, trong dịp này nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng đề cập một trong số nhiều tài liệu mà theo ông thể hiện dường như bước đầu đã có sự dịch chuyển ít nhiều trong quan điểm, chính sách và cách thức đối xử của nhà nước và chính quyền cộng sản Việt Nam, ông cho hay:

“Nhận thức về nền văn học miền Nam Việt Nam trước đây vẫn còn nhiều mơ hồ, thế nhưng dần dần qua mấy chục năm nay, đã có những chuyển biến khá tốt, theo tôi, tuy vẫn còn nhiều e dè và lẻ tẻ. Gần đây tôi tình cờ đọc được một bài báo cho thông tin rất thú vị ở trên báo Nhân dân cuối tuần, số ngày 13/9/2016 viết về đề tài này, mà tôi xin trích dẫn lại nguyên văn có đoạn viết như sau:

‘Nói chung trong khoảng 10 năm sau ngày giải phóng, tinh thần cơ bản của các nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật là ngăn chặn, chống, phê phán, đấu tranh, quét sạch văn hóa nô dịch, đồi trụy, lai căng; xóa bỏ những xuất bản phẩm phản động, khiêu dâm; trừng trị nghiêm khắc những ai cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước…’

Kinh hoàng đến như thế, nhưng mà ở đoạn kết của bài báo này, thì lại viết rằng: ‘…quan điểm chính thức được khẳng định hiện nay là, ủng hộ việc đẩy mạnh nghiên cứu, chọn lọc phổ biến các giá trị đích thực của văn học nghệ thuật miền nam trước 1975 trên tinh thần hòa hợp dân tộc để hàn gắn vết thương, đoàn kết mọi người cùng nhìn về một phía, thực hiện hòa hợp dân tộc bằng con đường văn hóa văn nghệ. Dĩ nhiên trên thực tế, câu hỏi về cách ứng xử như thế nào đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật của các tác giả miền nam trước 1975 là vấn đề khó có được câu trả lời cụ thể và thấu đáo.’”

Đưa ra bình luận thêm về quan điểm này của chính quyền Việt Nam thông qua bài báo nói trên của báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận, truyền thông của Ban Chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam, nhà thơ Hoàng Hưng nói:

“Tác giả bài báo này ký tên là Hạnh Nguyễn mà không biết là ai, nhưng điểm thú vị là ở câu cuối này, tức là về nguyên tắc họ nói như vậy, tất nhiên phải có chỉ đạo ở một cấp cao hơn là báo Nhân Dân, báo này dẫu sao cũng là tiếng nói chính thức của Đảng Cộng sản, nhưng nói như vậy, còn khi xử lý trên những trường hợp cụ thể, tác giả, tác phẩm cụ thể, thì vẫn còn nhiều rắc rối.

Tôi đơn cử dẫn chứng vào năm 2007, công ty sách phương Nam ra được bốn tập sách của Dương Nghiễm Mậu, là nhà văn được coi là tiêu biểu về phương pháp sáng tác mới mẻ, lập tức bị nhà văn Vũ Hạnh, cũng là nhà văn ở miền Nam Việt Nam ngày xưa, với lập trường cộng sản, phê phán rất kịch liệt, sau đó thì im thít, không ai dám in tiếp nữa. Hay sau đó cũng ra được tác phẩm của nhà văn Lê Xuyên, rồi cũng bị phê phán ác liệt, dẫn đến cũng lại im thít, không ái dám xuất bản tiếp nữa.

Hay ngay trường hợp của tôi mới đây cũng khá thú vị để hiểu vấn đề, tức là gần đây vì các websites (trang mạng) bị tường lửa hết, ngay cả Văn Việt là website của chúng tôi cũng bị tường lửa, tất cả các website nói chung mà không phải của nhà nước, đều bị tường lửa nên rất khó vào. Cho nên tôi có một ý tưởng là đưa lại hồ sơ văn học miền Nam thời Việt Nam Cộng Hòa lên lại trên Facebook, đưa lại trên một chuyên trang về văn học nghệ thuật mà là Facebook cá nhân.

Lập tức trang bị đánh phá ngay, bị chặn, không làm sao có thể đưa lên được gì cả, rồi bị cảnh cáo, bị khóa danh khoản tùm lum, có những cảnh cáo, cảnh báo rất buồn cười, bởi vì khi chúng tôi đăng đầu tiên mấy tác phẩm của Phạm Thiên Thư, tức là mấy tác phẩm đã được xuất bản công khai ở Việt Nam bây giờ, không phải là chính trị hay gì, mà lập tức tôi đã bị cảnh cáo rằng đã ‘vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng’.

Tức là họ có một lực lượng nào đó, mà họ vẫn không muốn cho sự xuất hiện của văn học miền Nam này một cách đàng hoàng; có thể lẻ tẻ một hai cuốn thì được, còn khi đưa ra giới thiệu cả một kho về văn học miền Nam là họ không cho!”

Tuy có những sự việc trên, trong dịp 48 năm đánh dấu biến cố 30/4/1975 với Việt Nam, nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng vẫn đặt kỳ vọng ở tương lai:

“Đến một lúc nào đấy mà tôi chưa biết, điều này sẽ do những nhà chính trị cân nhắc, nhưng không thể không đặt nền văn học này thành một mảng của văn học Việt Nam nói chung, mà không có phân biệt bắc, nam, không phân biệt chính kiến, vì đó đúng là một thành tựu của văn học Việt Nam, một thành tựu rất huy hoàng, cho nên nó sẽ được thành một mục nghiên cứu đàng hoàng, khách quan và thấu đáo.

Tôi mong rằng một ngày nào đó gần đây sẽ như vậy và trong giới nghiên cứu có rất nhiều người sẵn sàng làm việc đó, nhưng họ cũng phải được tạo thuận lợi là sự bật đèn xanh của hệ thống chính trị như một điều tất nhiên, còn nếu không họ sẽ không được cho phép xuất bản, giảng dạy và sẽ rất hạn chế, không có ai bỏ công đi làm việc mà không rõ rằng có được công bố hay không.

Nhưng tôi nghĩ rằng nếu mà người cầm quyền sáng suốt và thực sự như là câu của báo Nhân Dân nêu lên rằng thực sự muốn một sự hòa giải, hòa hợp, để toàn dân Việt Nam có thể chung sống với nhau, đoàn kết với nhau vì những mục tiêu lớn, mà trước mắt của chúng ta là những vấn đề phải đối phó như chủ quyền của đất nước, vấn đề phát triển về kinh tế, văn hóa như thế nào;

Nhất là những nhà lãnh đạo của Đảng mấy năm gần đây phát biểu ‘rất đề cao văn hóa’, coi văn hóa như ‘động lực phát triển’, vấn đề là phải nhìn văn hóa một cách toàn diện, không định kiến, không bị ý thức hệ dẫn dắt, rằng văn học miền Nam chính là thành tựu của văn hóa dân tộc, phải xác định, khẳng định như thế để mà nghiên cứu các giá trị của nó, để mà tiếp tục phát huy, phát triển nền văn hóa, văn học nghệ thuật của Việt Nam,” nhà thơ, dịch giả, nhà báo Hoàng Hưng, thành viên sáng lập Ban vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam, chia sẻ với RFA Tiếng Việt trên quan điểm riêng hôm 26/4/2023 từ Sài Gòn. 


+ Trần Doãn Nho: 1954-1975, một thời văn học phát triển rực rỡ, (NV, 26/4/23), https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/1954-1975-mot-thoi-van-hoc-phat-trien-ruc-ro/ 

KENNEDALE, Texas (NV) – Văn Học Miền Nam là một nền văn học mà sau lưng không có nghị quyết và trước mặt không có kẻ thù.

Nhân ngậm ngùi tưởng niệm 48 năm ngày 30 Tháng Tư, một đất nước đã bị mất, chúng ta đồng thời tưởng nhớ đến – và cũng để tự hào – một thời văn học Việt Nam Cộng Hòa, hay nói cho gọn, Văn Học Miền Nam.

Hàng chục năm qua, rất nhiều tác giả hải ngoại đã nghiên cứu về Văn Học Miền Nam như Thụy Khuê, Võ Phiến, Nguyễn Vy Khanh… Đặc biệt, vào Tháng Mười Hai, 2014, một buổi hội thảo về Văn Học Miền Nam đã được tổ chức tại Orange County, California, với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn và nhà thơ từ nhiều nơi trên thế giới quy tụ về trong đó có Nguyễn Hưng Quốc, Bùi Vĩnh Phúc, Du Tử Lê, Trương Vũ, Nguyễn Đức Tùng, Phùng Nguyễn, Trần Doãn Nho, Hoàng Ngọc-Tuấn, vân vân. Trong bài viết ngắn này, thay vì trích dẫn những tác giả hải ngoại, tôi đề cập đến ý kiến của một vài tác giả (mà tôi cho là) tiêu biểu trong nước bàn về Văn Học Miền Nam.

Có thể nói, ngoài giai đoạn Tự Lực Văn Đoàn của thập niên 1930, thời kỳ 1954-1975 ở miền Nam là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của văn học trong lịch sử văn học nước nhà. Nhà nước Cộng Sản, tất nhiên, không chấp nhận thực tế đó. Vừa chiếm xong miền Nam là họ tiến hành ngay chính sách bài trừ toàn bộ nền văn học Việt Nam Cộng Hòa mà họ quy cho là văn hóa đồi trụy, thực dân. Nhưng theo thời gian, cùng với âm nhạc, nền văn học đó vẫn âm thầm sống và rồi sống dậy một cách mạnh mẽ, không những chỉ như một tài sản lịch sử quý giá, mà còn ảnh hưởng tích cực đến chính nền văn học bị đảng và nhà nước chỉ đạo và chi phối một cách toàn diện ở trong nước.

Theo nhà thơ Hoàng Hưng, một trong những người thành lập trang mạng Văn Việt, thì: “Sự tiếp xúc với Văn Học Miền Nam trước 1975 đã tạo bước ngoặt quyết định về khuynh hướng tư tưởng cho không ít tác giả của nền văn học ‘chính thống’ miền Bắc. Tinh thần tự do, nhân bản và cách tân của nó đã dần dần ‘tẩy rửa’ thói quen ‘tự kiểm duyệt’ và ‘phục vụ chính trị,’ giáo điều ‘hiện thực xã hội chủ nghĩa’… vốn ngấm sâu vào tâm trí của thế hệ cầm bút ‘chống Pháp chống Mỹ.’ Chắc chắn nó đã khởi hứng cho những ý tưởng thay đổi mạnh mẽ của vài nhà lãnh đạo văn nghệ cuối thập niên 1970 như Trần Độ, Nguyên Ngọc… và của nhiều cây bút thành công từ sau khi có chính sách ‘Đổi mới’ cuối thập niên 1980. Hầu hết những cây bút trẻ hiện nay ở Việt Nam đang đi theo tinh thần ấy” (1).

Sức sống tiềm tàng của Văn Học Miền Nam buộc nhà nước Cộng Sản phải thay đổi thái độ. Những luận điệu bôi bác, phủ nhận Văn Học Miền Nam của những người như Lê Đình Ky, Trần Trọng Đăng Đàn hay Đỗ Đức Hiểu càng ngày yếu dần, cuối cùng, lặng lẽ biến mất.

Trong bài viết “Ứng Xử Với Văn Học Học Miền Nam Trước 1975” trên “Nhân Dân Cuối Tuần” (13 Tháng Chín, 2016) (2), cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản, tác giả Hạnh Nguyên cho biết: “Khoảng 10 năm trở lại đây, quan điểm ứng xử đối với Văn Học Miền Nam trước 1975 đã có nhiều thay đổi tích cực. (…) Hoàn toàn có thể nói đến một nhu cầu đọc lại, đánh giá lại, giới thiệu, phổ biến trở lại một số giá trị của văn học từng bị coi là ‘bên kia chiến tuyến.’ (…) Từ chỗ bị phê phán gay gắt, bị loại bỏ, cấm phổ biến, Văn Học Miền Nam dần dần đã được coi là một bộ phận không thể tách rời của văn học Việt Nam, được xuất bản và nghiên cứu nghiêm túc.”


Tuy nhiên, những bài viết như thế này chỉ nói một cách chung chung, không hề nêu lên yếu tố nào đã khiến họ phải quay một góc gần như 180 độ đó. Giới quan chức lãnh đạo văn hóa Cộng Sản muốn tránh trút một sự thực: Văn Học Miền Nam là sản phẩm tự nhiên và tất yếu của một chế độ dân chủ tự do là Việt Nam Cộng Hòa.

Dẫu vậy, một số nhà nghiên cứu văn học trong nước, tuy vẫn còn dè dặt, cũng đã thẳng thắn thừa nhận mối liên hệ tất yếu giữa sự phát triển của Văn Học Miền Nam với chính bản chất của chế độ miền Nam. Theo nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, Văn Học Miền Nam là một “nền văn học tồn tại trong một xã hội dân sự dựa trên tiêu chí: sự gắn bó, tương tác công khai, tự nguyện giữa tác giả và độc giả, giữa hoạt động sáng tạo và hoạt động tiếp nhận mà không chịu bất kỳ sự áp đặt hay mệnh lệnh hành chính nào” (3). “Không chịu bất kỳ sự áp đặt hay mệnh lệnh hành chính nào,” nghĩa là tự do, không bị đảng và nhà nước kềm chế kiểu miền Bắc.

Trong số những nhà nghiên cứu về Văn Học Miền Nam, Huỳnh Như Phương là người đưa ra một cách đánh giá cụ thể và tích cực. Trong một bài nghiên cứu công phu có tựa đề “Chiến Tranh, Xã Hội Tiêu Thụ Và Thị Trường Văn Học Miền Nam 1954-1975” (4), đăng trên tập san “Nghiên Cứu Văn Học,” một trong những cơ quan nghiên cứu văn học hàng đầu của nhà nước Cộng Sản, ông nêu lên một số lý do được xem là bối cảnh của sự phát triển văn học ở miền Nam, xin tóm lược như sau:

-Tư nhân làm chủ: Ngành xuất bản sách báo phong phú và đa dạng hầu hết là của tư nhân. Có rất nhiều nhà xuất bản những tên chịu ảnh hưởng Tây phương như Thời Mới, Đêm Trắng, Ngưỡng Cửa…; đồng thời có nhiều tên mang tính chất Đông phương như Lá Bối, An Tiêm, Lửa Thiêng, Ca Dao, Hoa Tiên, Nam Sơn, Phù Sa, Đồng Dao, Mặc Lâm, Kẻ Sĩ, Cảo Thơm, Tao Đàn, Bến Nghé, Huyền Trân, Nam Chi Tùng Thư, Đại Nam Văn Hiến… Lại có nhà xuất bản mang tên của chính chủ nhân: Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Đình Vượng, Phạm Văn Tươi, Phạm Quang Khai. Họ xuất bản sách không dựa theo sự chỉ đạo của nhà cầm quyền mà dựa vào sự cạnh tranh bằng cách tạo uy tín qua những đầu sách về khảo cứu, sáng tác hay dịch thuật đáp ứng với nhu cầu của độc giả.

-Mạng lưới phát hành sách báo rộng rãi: Tuy gặp nhiều trở ngại về giao thông do chiến tranh, nhưng mạng lưới cũng đã đưa được nhiều ấn phẩm đến những vùng xa Sài Gòn như các tỉnh miền Tây và miền Trung. Vì thế, những độc giả hiếu học ở các tỉnh lỵ cũng có thể đọc được đủ loại sách báo xuất bản ở Sài Gòn, kể cả những kiệt tác văn chương của các tác giả đoạt giải thưởng Nobel ở các hiệu sách.

-Quan niệm hiện đại về báo chí của giới làm báo: Đề cao việc thông tin chính xác và kịp thời, coi trọng tính khách quan của báo chí, thông qua việc giao tiếp, cộng tác với những nhà báo nước ngoài của các tờ báo lớn và các hãng tin nổi tiếng như AP, AFP, UPI, BBC, Reuters… thường xuyên có mặt ở Việt Nam.

-Công nghệ in ấn tân tiến: Từ in typo chuyển dần sang in offset với những máy in hoạt động với năng suất cao.

-Tự trị đại học: Do ý thức xây dựng một nền văn học và giáo dục khai phóng, theo tinh thần mở rộng về giao lưu văn hóa, cho nên tuy là một chế độ chống Cộng Sản, nhưng tư tưởng của chủ nghĩa Marx vẫn được giảng dạy ở các trường đại học từ nhãn quan của các học giả Tây phương. Ngoài ra, những trào lưu sáng tác, những trường phái triết học, mỹ học, nghiên cứu và phê bình văn học được giới thiệu khá phong phú và cập nhật.

-Sự trung thực của các cơ sở báo chí và xuất bản: Đã giúp người đọc miền Nam nhìn rõ hơn xã hội ở chung quanh mình, đã liên kết những người thiện chí trong một nỗ lực vận động cho hòa bình, tự do, độc lập dân tộc và một nền văn hóa văn nghệ tiến bộ, cho thấy mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh khắc nghiệt, sinh hoạt văn hóa miền Nam không có tính chất một chiều mà còn có những mầm mống của dân chủ, thông qua tiếng nói phản biện và phản kháng.


Đánh giá chung Văn Học Miền Nam, Huỳnh Như Phương nhận định: “Trong đời sống Văn Học Miền Nam, những sáng tác và công trình nghiên cứu chứa đựng những yếu tố dân tộc, nhân đạo, dân chủ và cách tân, xuất hiện trên cái nền của hoạt động báo chí và xuất bản rất đa dạng và phức tạp của nhiều khuynh hướng khác nhau về tư tưởng cũng như về nghệ thuật. Giữa các khuynh hướng đó không có ranh giới tuyệt đối, mà có sự giao thoa, tương tác và chuyển hóa lẫn nhau. Sách báo thân chính quyền cũng có lúc ấn hành những tác phẩm đả kích quan chức của chế độ, thậm chí bị tịch thu. Sự chuyển biến của sách báo khuynh tả cũng là một quá trình từ tự phát đến tự giác. Trên một tờ báo hay một nhà xuất bản có thể xuất hiện những cộng tác viên đối lập nhau về lập trường chính trị và quan điểm văn học.”

Ngoài Huỳnh Như Phương, một trong những học giả dành khá nhiều công sức nghiên cứu và tổng kết một cách đầy đủ và chi tiết bức tranh văn nghệ miền Nam giai đoạn 1954-1975 là Tiến Sĩ Trần Hoài Anh. Theo học giả này, “Lĩnh vực nghiên cứu về Văn Học Miền Nam mà trọng tâm là bộ phận lý luận phê bình Văn Học Miền Nam trước 1975 cũng là lĩnh vực mà tôi chọn lựa dấn thân nghiên cứu. Đây cũng là đề tài luận án tiến sĩ của tôi đã bảo vệ thành công tại Viện Văn Học Việt Nam với một tâm nguyện làm thế nào để bảo tồn một di sản văn học nước nhà như tôi đã từng khẳng định trên báo chí trong nước khi trả lời phỏng vấn: Văn Học Miền Nam 1954-1975 là một di sản quý báu của văn học dân tộc” (5).

Tôi đã có dịp đọc một số bài viết của Trần Hoài Anh đăng tải trên mạng:

-Nguyễn Vỹ – nhà báo với ý thức dấn thân trong cái nhìn của các nhà nghiên cứu ở miền Nam (1954-1975).

-Khuynh hướng lý luận – phê bình văn học ảnh hưởng tư tưởng Phật Giáo ở miền Nam trước 1975.

-Nhất Linh trong sự tiếp nhận của Văn Học Miền Nam 1954-1975.

-Thơ Mới và sự hiện hữu trong Văn Học Miền Nam 1954-1975.

-Nhà văn Võ Hồng và sự hiện hữu trong đời sống Văn Học Miền Nam 1954-1975.

-Từ lý luận – phê bình Văn Học Miền Nam trước 1975 nghĩ về sự đổi mới lý luận – phê bình văn học dân tộc trong bối cảnh toàn cầu hóa.

-Quốc văn Trung học Đệ nhị cấp ở miền Nam trước 1975.

-Bùi Giáng trong cái nhìn của các nhà phê bình văn học ở miền Nam trước 1975.

-Người đọc trong quan niệm của lý luận – phê bình văn học đô thị miền Nam 1954-1975, vân vân.

Tuy không có điều kiện tiếp cận những công trình nghiên cứu chính yếu của Trần Hoài Anh, nhưng qua những gì đọc được, tôi nhận thấy ông đã có một nhãn quan rộng rãi, cởi mở và khách quan về nhiều mặt đối với nền văn hóa miền Nam dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, khác xa và thậm chí ngược hẳn lại với cách đánh giá Văn Học Miền Nam theo quan điểm nhà nước chính thống.

Trong bài viết đề cập đến triết lý giáo dục của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, ông nhận xét: “Như vậy, có thể nói, với triết lý giáo dục này [Nhân bản, Dân tộc & Khai phóng], nền giáo dục ở miền Nam 1954-1975 là nền giáo dục mang tính nhân văn sâu sắc. Bởi, đây là nền giáo dục lấy sự ‘khai phóng’ con người làm cảm hứng cho mọi sáng tạo và xây dựng nhân cách người học trong nhà trường. Đây cũng là nguyên tắc bất biến, chi phối việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa, giáo trình ở tất cả các bộ môn, trong đó có bộ môn Quốc văn. Giáo dục tính nhân văn, vì thế, đã trở thành một phẩm tính trong chương trình Quốc văn Trung học Đệ nhị cấp ở miền Nam trước 1975” (6).

Đây là một cái nhìn hiếm thấy của một nhà nghiên cứu hiện đang sống và làm việc ở trong nước.


Mới đây, trong một bài viết khác về Văn Học Miền Nam (Tháng Sáu, 2022), ông khẳng định: “Với một thể chế chính trị đa nguyên, chấp nhận mọi sự khác biệt nên ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 đã hình thành một nền văn học khá cởi mở. Sự cởi mở ấy không chỉ thể hiện ở việc tiếp nhận nhiều hệ hình lý thuyết của các nền văn hóa Đông, Tây và văn hóa Mỹ mà còn thể hiện ở việc tiếp nhận một cách khách quan, công bằng, khoa học đối với giá trị của nhiều hiện tượng văn học, trong đó có tác phẩm của các nhà văn /thơ thời Tiền chiến và thời kháng chiến chống Pháp đang sống, làm việc ở miền Bắc. (…) Rõ ràng qua những tư liệu này có thể xác quyết trong giai đoạn 1954-1975, cho dẫu đất nước bị chia cắt bởi vĩ tuyến 17, nhưng trong Văn Học Miền Nam hình như không có ‘vĩ tuyến’ đó. (…) Đây là một vấn đề cần được khẳng định trong Văn Học Miền Nam 1954-1975 mà dường như lâu nay đã bị ‘chôn vùi’ bởi những định kiến thiển cận về Văn Học Miền Nam ở một thời không xa khi cho rằng, đây là bộ phận văn học ‘đồi trụy’ ‘phản động’ mà không thấy được ‘Tinh hoa của văn học dân tộc’ vẫn tiềm ẩn trong bộ phần văn học này” (7).

Tóm lại, các trích đoạn tiêu biểu về Văn Học Miền Nam trên đây của các tác giả Hoàng Hưng, Lại Nguyên Ân, Huỳnh Như Phương và Trần Hoài Anh cho thấy Văn Học Miền Nam đã phát triển dựa trên các yếu tố khách quan:

-Tinh thần tự do, nhân bản và cách tân.

-Xã hội dân sự: Sự gắn bó, tương tác công khai, tự nguyện giữa tác giả và độc giả, giữa hoạt động sáng tạo và hoạt động tiếp nhận mà không chịu bất kỳ sự áp đặt hay mệnh lệnh hành chính nào.

-Sự hiện diện của nhiều khuynh hướng khác nhau về tư tưởng cũng như về nghệ thuật.

-Thể chế chính trị đa nguyên.

Dù chưa hẳn đầy đủ, nhưng cách nhìn mới mẻ và tiến bộ này là một đóng góp quan trọng trong quá trình thừa nhận giá trị đích thực của một nền văn học.

***

Văn Học Miền Nam (1954-1975), tuy tồn tại trong một thời gian rất ngắn ngủi trong chiều dài lịch sử của dân tộc, nhưng là một trong những thành tựu lớn, nếu không muốn nói là lớn nhất, của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

“Nếu Văn Học Miền Bắc là đơn nhất, là một khối, một tảng và chỉ là một công cụ bảo vệ chế độ thì ngược lại, Văn Học Miền Nam là một thứ kính vạn hoa. Nó soi rọi từng chân dung, từng số phận, từng hoàn cảnh, từng ngóc ngách của cuộc sống. Do đó, nó không thể trở thành công cụ của nhà cầm quyền; không những thế, trong rất nhiều trường hợp, lại là một đối trọng với nhà cầm quyền. Cũng như giòng sông, nó chảy; cũng như cánh rừng, nó mọc, nó ra lá trổ hoa. Đó là một nền văn học mà sau lưng không có nghị quyết và trước mặt không có kẻ thù. Nó tự nhiên như nhiên. Như một con chim thả bay ngoài trời hay những bông hoa nở ngoài đồng nội” (8).

Văn Học Miền Nam sống mãi với dân tộc! [qd]


Chú thích:

(1) Phỏng vấn nhà thơ Hoàng Hưng, Diễn Đàn Thế Kỷ.

(2) https://nhandan.vn/ung-xu-voi-van-hoc-mien-nam-truoc-1975-post272466.html.

(3) Dẫn theo Đỗ Thu Thủy, “Văn học miền Nam trước 1975 – quen và lạ”

(4) Huỳnh Như Phương, tạp chí Nghiên Cứu Văn Học, Viện Văn Học – Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, số 4 – 2015, tr. 27-40. Xem: http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/văn-học-việt-nam/5393- chin-tranh-xa-hi-tieu-th-va-th-trng-vn-hc-min-nam-1954-1975.html

(5) Thư riêng.

(6) “Giáo dục tính nhân văn qua chương trình, sách giáo khoa Quốc Văn Trung học Đệ Nhị Cấp ở miền Nam trước 1975”

www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=25968

(7) Trần Hoài Anh, “Nhà văn miền Bắc và sự hiện hữu trong văn học miền Nam 1954 -1975”

Xem: văn học & nghệ thuật (vanchuongviet.org)

(8) Xem: Trần Doãn Nho, “Tính ‘văn học’ trong Văn Học Miền Nam.”

https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/1954-1975-mot-thoi-van-hoc-phat-trien-ruc-ro/


+ Di Sản VNCH: Gia tài quý giá trong nghiên cứu lịch sử VN và chủ quyền Biển Đông, (RFA, 25/4/23), https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/heritage-of-republic-of-vietnam-a-key-asset-in-studying-south-china-sea-04252023004454.html


Di sản của Việt Nam Cộng Hòa có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu lịch sử cận, hiện đại của Việt Nam, đặc biệt có thể phục vụ hữu ích trong công cuộc nghiên cứu khoa học liên ngành phục vụ đấu tranh về pháp lý, chủ quyền của quốc gia Đông Nam Á này trên Biển Đông, một nhà nghiên cứu sử học của Việt Nam nêu quan điểm hôm 24/4/2023 với RFA Tiếng Việt từ Đà Nẵng.

“Đối với những di sản gì từ Việt Nam Cộng Hòa mà chúng tôi có thể tiếp nhận được, chúng tôi có thể nói rằng đó là những cách viết sử, những cách thể hiện quan điểm và những vấn đề về sử học rất bài bản, rất khách quan và rất khoa học theo đúng tinh thần nhân bản và khai phóng, như chúng tôi đã thừa kế được, trong việc học sử của mình,” Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, đồng thời là nhà nghiên cứu lịch sử pháp lý, chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, đặc biệt liên quan hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, phát biểu.

“Tôi nghĩ không phải chỉ riêng tôi, mà đối với các sinh viên đồng trang, đồng lứa với tôi hoặc các thế hệ học trò mà sau này tôi dạy, tôi cũng đem tinh thần này để truyền lại cho các bạn. Những học trò này và những đồng nghiệp mà cùng quan điểm với tôi cũng thừa hưởng tinh thần này và họ đã có những công trình rất đáng chú ý. Như vậy, đối với lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, những điều mà chúng tôi ghi nhận là như vậy.

Tôi cũng muốn nói thêm là thầy của tôi là Giáo sư Trần Quốc Vượng từng kể rằng sinh thời Giáo sư Phạm Huy Thông, là Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam, một trong những người làm sử được đào tạo từ thời Pháp thuộc, từng nói rằng mỗi lần Giáo sư Thông mà đi công tác nước ngoài để dự các hội thảo, quyển sách mà ông chọn để mang theo là cuốn ‘Việt Nam Sử Lược’ của sử gia Trần Trọng Kim. Vì đó là cuốn sách viết công bằng và hay nhất và các sử liệu ở trong đó là khách quan, đầy đủ, cho nên đó là cuốn sách được Giáo sư Thông tham khảo và mang đi các hội thảo.

Câu chuyện của Giáo sư Trần Quốc Vượng kể về người thầy của chính Giáo sư cho thế hệ học trò là chúng tôi nghe, chúng tôi nghĩ rằng đó là cách đánh giá rất cao và rất là xứng đáng đối với tinh thần nghiên cứu sử học, mà những người trí thức trước đó và sau này được tiếp nối dưới giai đoạn Việt Nam Cộng Hòa, đã để lại cho những người về sau tinh thần nghiên cứu, học thuật khách quan và giữ vững, không để bị ảnh hưởng bởi tính chính trị. Và tôi cho rằng đó là di sản lớn nhất.”

Di sản sống động qua đóng góp của trí thức và ‘những người VNCH’ hôm nay

Các di sản của thời Việt Nam Cộng Hòa còn có thể được cảm nhận không chỉ qua các công trình khoa học mà các học giả, giới nghiên cứu, tầng lớp trí thức dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa trước đây để lại, mà ngày nay tiếp tục được thể hiện sống động thông qua những đóng góp của trí thức và các nhà nghiên cứu được đào tạo dưới chế độ đó từ trước, cùng nhiều giới khác thuộc VNCH trước kia, đang hợp tác và đóng góp cho nghiên cứu lịch sử pháp lý, chủ quyền Biển Đông của Việt Nam, bên cạnh các lĩnh vực chuyên môn khác.

Về khía cạnh di sản mà có thể nói là ‘sống động’ này, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, nguyên giảng viên một số đại học tại Việt Nam, cựu Trưởng khoa Việt Nam học tại Đại học Phan Châu Trinh, nhận định tiếp:

“Trong vấn đề nghiên cứu chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông và một số vấn đề nghiên cứu lịch sử mang tầm quốc tế khác, tôi thấy đã có tiếng nói chung… Khi chúng tôi tổ chức những hội thảo quốc tế liên quan vấn đề Biển Đông và tranh chấp chủ quyền, hầu như các học giả Việt Nam là Việt kiều ở nước ngoài, chúng tôi đều mời.

Và phần lớn họ đều về cả, như Giáo sư Ngô Vĩnh Long, như Giáo sư Tạ Văn Tài, và những nhà nghiên cứu khác như ở Đại học George Mason (GS. Nguyễn Mạnh Hùng - PV) cũng đã từng về hợp tác nghiên cứu với chúng tôi và hợp tác rất tốt.

Tương tự như vậy, khi chúng tôi đưa các đoàn làm phim ra nước ngoài, để hỗ trợ vấn đề nghiên cứu Biển Đông và các vấn đề lịch sử khác, thì những người Việt Nam Cộng Hòa, họ có thể là các trí thức, họ có thể là những cựu sỹ quan Việt Nam Cộng Hòa ở khu vực California, phía Nam California, đều hỗ trợ chúng tôi, cho quay phim, cho tư liệu, cho hình…

Và tôi nghĩ, trong những vấn đề về bảo về chủ quyền, về tinh thần dân tộc, mà nếu không có đụng chạm các quan điểm về ý thức hệ, tôi nghĩ hai bên đã hợp tác trong thời gian vừa qua và rất tốt. Và cái này tôi nghĩ, trong tương lai hai bên sẽ hợp tác để nghiên cứu một số vấn đề về lịch sử, nhất là vấn đề cổ, trung đại, vấn đề liên quan xác lập chủ quyền của Việt Nam cả trên đất liền và cả trên Biển Đông, về vấn đề đánh giá quá trình nam tiến của các Chúa Nguyễn, cho đến thời Nhà Nguyễn, vấn đề Champa, vấn đề đối với Chân Lạp và vấn đề đối với người Khmer…, đó là những vấn đề mà chúng ta có thể hợp tác rất tốt giữa tất cả các bên.”


Đặt lợi ích quốc gia lên trên ‘khác biệt ý thức hệ’

Theo TS. Trần Đức Anh Sơn, người từng giành được học bổng Fulbright của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để đến Đại học Yale thuộc tiểu bang Connecticut nghiên cứu trong vòng 10 tháng, trên tư cách học giả khách mời tại trường này, để sưu tầm và khảo cứu các tư liệu liên quan tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và các quốc gia ở Biển Đông, cũng như khảo cứu quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thế kỷ XVII đến nay, Việt Nam cần có ưu tiên hợp tác giữa các bên từng ở trong hai chế độ đối nghịch ở hai miền của Việt Nam trước 30/4/1975, để hướng tới ưu tiên cho việc hợp tác vì lợi ích chung của quốc gia mà vượt qua khác biệt ý thức hệ chính trị.

Ông nói: “Những gì liên quan tới Việt Nam sau 30/4/1975, bây giờ phía Việt Nam ở trong nước vẫn còn đang còn rất thận trọng và cân nhắc, lý do vì sao như thế thì nhiều người nghiên cứu cũng đã biết, nhưng chúng ta phải nên thấy cái gì làm được thì làm, chọn lọc trong những cái đó, để mà làm, và như thế, tôi cho rằng là có tương lai.

“Bản thân rất nhiều người thuộc giới trẻ, giới nghiên cứu trong nước của chúng tôi đều có những hợp tác nghiên cứu với nước ngoài và những người lớn tuổi hơn, như Tiến sĩ Nguyễn Nhã, như ông Phạm Hoàng Quân, như ông Đinh Kim Phúc…, chúng tôi đều có những chương trình hợp tác với các trí thức, nhân sỹ người Việt ở hải ngoại, không chỉ ở Hoa Kỳ, mà còn ở những nước khác, mà họ đã hỗ trợ cho chúng tôi.

Thậm chí khi chúng tôi đi làm phim ở bên Hà Lan, trong thời gian vừa qua, có một vị từng là thư ký của một nghị sỹ của Hà Lan ở châu Âu, người từng được phía Việt Nam nghi ngờ và đưa vào trong một danh sách ‘không cho về nước’, nhưng khi chúng tôi qua bên đó, ông đó đã hỗ trợ rất tốt cho chúng tôi, chúng tôi được phỏng vấn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan, ông cũng tổ chức những chuyến đi, những sưu tập và sau đó phía Việt Nam đã đánh giá rất cao ông và có ngỏ ý là nếu ông có muốn về nước, thì họ sẵn sàng hỗ trợ.

Vì trong đoàn của chúng tôi đi, bên cạnh những lực lượng chuyên môn, thì cũng có những lực lượng hỗ trợ tất cả những vấn đề kết nối, mà họ có đủ những quyền lực và những mối quan hệ để hỗ trợ giải quyết những vấn đề. Tôi cho rằng đó là những xu hướng hợp tác rất là tốt ở trong tương lai.”

Bày tỏ kỳ vọng của bản thân trong tận dụng, phát huy những di sản của Việt Nam Cộng Hòa cho nghiên cứu sử học nói chung và nghiên cứu phục vụ đấu tranh pháp lý, bảo vệ, gìn giữ và giành lại chủ quyền bị xâm phạm của Việt Nam trên Biển Đông nói riêng, khi được đề nghị đưa ra ý kiến, TS. Trần Đức Anh Sơn, người mà theo trang Wikipedia bách khoa toàn thư mở phiên bản tiếng Việt là đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Tao Đàn Thư Quán, một công ty chuyên xuất bản các loại sách về lịch sử, văn hóa, tư tưởng đặt trụ sở tại Đà Nẵng, đồng thời là giảng viên kiêm nhiệm của Trường Đại học Đông Á ở Đà Nẵng, nói:

“Trước hết, đối với vấn đề lịch sử Việt Nam nói chung, rồi các vấn đề khác, tôi rất mong muốn tìm những tác phẩm xuất bản dưới thời Việt Nam Cộng Hòa trước đây mà hay, mà có giá trị, chúng tôi xin phép và muốn tái bản trở lại với sự hợp tác ở trong nước, về lịch sử.

Trong thời gian qua, vấn đề in lại sách này cũng đã được làm như với tác giả Tạ Chí Đại Trường, sách của ông hầu như đã được tái bản tại Việt Nam. Một số văn sỹ, trí thức trước đây cũng được xếp trong diện ‘theo dõi’, nhưng bây giờ cũng đã có những sách được in ở Việt Nam một cách đàng hoàng.

Tuy nhiên, một số đoạn người ta cũng cắt bỏ một số câu, chữ, nhưng nhìn chung tôi cho rằng việc tái bản này là tốt và đó là điều mà tôi kỳ vọng. Bởi vì những cái này là những kiến thức mang tính khách quan, và những vị này cũng là những bậc khoa cử, học hành rất bài bản, họ cung cấp những cái nhìn toàn diện.

Và nếu được in ấn ở Việt Nam cho giới trẻ tiếp thu, thì đó là di sản rất là tốt. Bởi vì sử học hiện nay mang tính định hướng chính trị nhiều quá, cho nên có những vấn đề mà chúng tôi cũng muốn nói, mà nói không được. Nhưng có những tác phẩm đó mà nếu được in lại và phổ biến, thì rất tốt.”

Ông Trần Đức Anh Sơn, người mà vẫn theo trang bách khoa toàn thư mở, từng được báo Mỹ tờ The New York Times mệnh danh là "Người săn bản đồ chủ quyền" trong một phỏng vấn của báo này với ông vào năm 2017, thừa nhận ông thừa kế được nhiều trong nghiên cứu về Biển Đông của mình từ di sản Việt Nam Cộng Hòa, nhà nghiên cứu nói tiếp:

“Trong vấn đề nghiên cứu Biển Đông, tôi thừa kế rất nhiều công trình nghiên cứu của những người Việt Nam Cộng Hòa, đặc biệt ví dụ như của (Hải quân Đại tá-PV) Vũ Hữu San, của những người trí thức đã ra nước ngoài, ví dụ như Giáo sư Tạ Văn Tài, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, rồi Tiến sĩ Vũ Quang Việt v.v… những bài viết của các ông chúng tôi luôn luôn đọc phục vụ cho nghiên cứu của mình.

Rồi những người do Việt Nam Cộng Hòa đào tạo mà bây giờ đang ở lại trong nước, ví dụ như cụ Nguyễn Đình Đầu, trí thức từ thời Pháp thuộc, và cụ tiếp tục là một nhân sỹ dưới thời Việt Nam Cộng Hòa mà đã trước tác rất nhiều, mà chúng tôi tiếp tục theo.

Hoặc như Tiến sĩ Nguyễn Nhã, hay như ông Đinh Kim Phúc, đó là những trí thức mà đã lớn lên, trưởng thành trong thời Việt Nam Cộng Hòa mà đã có những công trình nghiên cứu rất xuất sắc, mà chúng tôi đã kế thừa để phục vụ những nghiên cứu của bản thân.”


Đến đây, Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, người sinh ra ở Huế năm 1967 và còn đang là thiếu niên ngày ấy, khi biến cố 30/4/1975 xảy ra, nhân dịp này đưa ra một lưu ý mà theo ông là đáng chú ý trong nghiên cứu về lịch sử pháp lý, chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông, ông nói:

“Đối với vấn đề chung, tôi thấy rằng Việt Nam hiện nay tập trung quá nhiều vào việc nghiên cứu lịch sử chủ quyền, cái này thì tốt, nhưng khi ra trường quốc tế, chúng ta muốn tranh cãi, tranh biện và đặc biệt là sử dụng cứ liệu như những bằng chứng trong các phiên tòa quốc tế, nếu như Việt Nam theo đuổi việc kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế để đòi lại chủ quyền, thì tôi nghĩ Việt Nam chưa đủ sức mạnh, trong khi đó Trung Quốc có rất nhiều tài liệu mà họ giấu diếm, thậm chí họ ngụy tạo tài liệu cả những bằng chứng khảo cổ học.

Cho nên khía cạnh mà tôi đang theo là nghiên cứu khía cạnh pháp lý quốc tế, các tài liệu mà chúng ta (Việt Nam) đang có, thì chúng ta chọn lọc những gì mang tính pháp lý quốc tế đầy đủ, mà phù hợp trong phiên tòa, thì chúng tôi tập trung vào hướng đó nghiên cứu hơn; thay vì là đi tìm nguồn sử liệu mà mang tính một chiều, để khẳng định từ phía của Việt Nam.

Tôi nghĩ đây là hướng mà chúng ta có thể hợp tác nghiên cứu rất tốt với những trí thức rất giỏi của Việt Nam Cộng Hòa, ví dụ như ông Trương Nhân Tuấn ở bên Pháp, hoặc ví dụ như Luật sư Tạ Văn Tài, hay ví dụ như những người có kiến văn rất là rộng có thể chỉ cho chúng tôi, thí dụ như Tiến sĩ Dương Danh Huy, rồi những nhóm nghiên cứu Biển Đông ở bên London v.v…, thì những người đó có thể bổ trợ cho chúng tôi nghiên cứu."


+ Lê Hữu - Nhạc vàng: Bên Thắng Cuộc, (VV 28/4/23), https://vandoanviet.blogspot.com/2023/04/nhac-vang-ben-thang-cuoc.html Nhắc đến chuyện Lộc “vàng” vì yêu và thích hát nhạc vàng mà phải trả giá đến gần 10 năm tù tội. 


Quán nửa khuya đèn mờ theo hơi khói…

Câu hát đầu trong bài “Quán nửa khuya” của Tuấn Khanh & Hoài Linh, sáng tác năm 1961.

Đuốc lồ ô bập bùng bên ánh lửa…

Câu hát đầu trong bài “Tiếng chày trên sóc Bom-Bo” của Xuân Hồng, ra đời năm 1966.

Người nghe nhạc tinh ý dễ nhận ra hai câu nhạc giống nhau trong hai bài nhạc cùng hợp âm Mi thứ. Nếu có khác, bài “Quán nửa khuya” ghi thể điệu boléro, bài “Tiếng chày trên sóc Bom-Bo” ghi “Nhịp nhàng, rộn rã”.

Nhạc sĩ Tuấn Khanh, khi nhắc đến sự giống nhau của hai câu nhạc này, chỉ mỉm cười, lắc lắc đầu. Cái lắc lắc đầu, mỉm cười đầy ý nghĩa của ông cũng cho thấy, “nhạc đỏ” miền Bắc có khuynh hướng theo chân “nhạc vàng” miền Nam từ nhiều năm trước chứ không phải đợi tới bây giờ.

Nhạc đỏ, buồn ơi chào mi!

Cũng không phải đợi tới bây giờ mà nhiều người yêu nhạc ở miền Bắc đã biết yêu, biết tìm đến nhạc vàng miền Nam từ lâu lắm. Lộc “vàng”, biệt danh gắn liền với “nhạc vàng” của chàng trai Hà Nội thời chiến, chỉ vì trót yêu và thích hát nhạc vàng mà phải trả giá đến gần 10 năm tù tội. Điều khá chua xót là, ngày ra tù, trong lúc lang thang trên đường phố cũ, tiếng nhạc vọng ra từ những quán xá bên đường mà anh nghe được lại chính là những bản nhạc vàng “đồi trụy”, “phản động” đã khiến anh phải đọa đày trong chốn lao tù, chôn vùi cả một thời tuổi trẻ. Câu chuyện Lộc “vàng” là câu chuyện của người dám sống và chết cho nhạc vàng, nhất định chỉ yêu nhạc vàng chứ không chịu yêu nhạc đỏ.

“Nhạc vàng”, cái “từ” này ở đâu ra và có nghĩa gì? Trước năm 1975, nhạc Việt ở miền Nam không có màu mè xanh, đỏ, tím, vàng chi cả. Danh từ “nhạc vàng” cũng ít được sử dụng. Nhiều lắm chỉ có ban nhạc tên Nhạc Vàng của Đài truyền hình Sài Gòn (nhạc sĩ Phó Quốc Lân phụ trách) hoặc ít băng, dĩa nhạc ghi “băng vàng”, “nhạc vàng” mang ý nghĩa là những bài nhạc hay, chọn lọc về tình yêu quê hương, lứa đôi..., thường là nhạc điệu êm dịu, trữ tình. Trong khi đó, miền Bắc gọi chung nhạc Việt miền Nam là “nhạc vàng”, theo nghĩa vàng vọt, vàng võ, bệnh hoạn và được dán nhãn chính trị là nhạc “đồi trụy”, “phản động”.

“Nhạc đỏ” của miền Bắc chính thức xâm nhập miền Nam Việt Nam kể từ 30 tháng Tư năm 1975. Đâu đâu cũng trông thấy cờ xí ngờm ngợp và những biểu ngữ đỏ chói giăng đầy đường phố, đâu đâu cũng nghe thấy vang vang, rầm rập những bài hát “cách mạng” nhịp quân hành, trong lúc loa phóng thanh liên tục mở hết cỡ phát đi những khẩu hiệu ròn rã về “chiến công vĩ đại”, về “cuộc kháng chiến thần thánh”, về “đỉnh cao chói lọi trong lịch sử vẻ vang của dân tộc”…

Ít năm sau đó nhạc đỏ vẫn “bao sân” mọi sinh hoạt ca nhạc của người Việt trong nước, vẫn liên tục tra tấn đôi tai người dân tội tình từ những chiếc loa phường treo máng trên những cột điện dây nhợ chằng chịt. Vẫn là điệu nhạc rất “đặc trưng”, nếu không rầm rập như bị ma đuổi thì cũng ồm ồm hay riu ríu, lơ lớ tiếng Việt, thoạt mới nghe tưởng nhạc cách mạng… Tàu, đại để “Cô gái vót chông”, “Cô gái mở đường”, “Cô gái Sài Gòn đi tải đạn”, “Chào em cô gái Lam Hồng”, “Rừng xanh vang tiếng Ta Lư”, “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”, “Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”, “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Bước chân trên dãy Trường Sơn”, “Đường Trường Sơn xe anh qua”, “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây”…, những bài hát hay nhất về rừng Trường Sơn theo chân “bên thắng cuộc” tiến về Sài Gòn.

Hát mãi, nghe mãi kiểu nhạc này thì cũng… chán, những tay chơi nhạc trong “phong trào văn nghệ quần chúng” bèn ngồi lại, bàn bạc và lập ra những nhóm đàn hát ở các phường xã, xí nghiệp, công trường… gọi tên là “Nhóm ca khúc chính trị” theo mô hình phổ biến của các nhóm nhạc nhẹ ở Liên Xô và Đông Âu. Các tiết mục, bài bản thường là tự sáng tác, tự trình diễn, gọi là “tự biên, tự diễn”. Có thể kể ra ít “Nhóm ca khúc chính trị” quen tên như nhóm nữ Xí nghiệp Dệt số 8, Mây Trắng, Nắng Hồng, Rạng Đông, Đại Dương, Hải Âu, Bách Việt, Phù Sa, Dây Leo Xanh… và một số ca khúc được quần chúng đón nhận, yêu thích vào thời ấy như “Những lời em hát” (Từ Huy), “Tuổi trẻ và ước vọng” (Vy Nhật Tảo), “Đi qua vùng cỏ non” (Trần Long Ẩn), “Ơi cuộc sống mến thương” (Nguyễn Ngọc Thiện), “Em như tia nắng mặt trời” (Nguyễn Đức Trung)…

Các “nhóm ca khúc chính trị” của thập niên 1980s ấy là gạch nối dẫn đến sự nở rộ của các “tụ điểm ca nhạc” thu hút lượng người xem ngày càng đông. Có thể kể tên những tụ điểm quen thuộc ở Sài Gòn như sân khấu 126, Lan Anh, Trống Đồng, Đầm Sen, nhà hát Thành Phố, nhà hát Hòa Bình…

Từ các tụ điểm này, nhiều ca khúc dễ nghe và có giai điệu rất gần với “nhạc vàng” của miền Nam lần lượt ra đời, như “Ngõ vắng xôn xao” (Trần Quang Huy), “Nha Trang mùa thu lại về” (Văn Ký), “Hoa sữa” (Hồng Đăng), “Một đời người, một rừng cây” (Trần Long Ẩn), “Em ơi, Hà Nội phố” (Phú Quang), “Hà Nội mùa thu” (Vũ Thanh), ”Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” (Trương Quý Hải & Bùi Thanh Tuấn)… Ngay đến cách đặt tựa bài hát cũng mang phong cách “nhạc vàng”, như “Đêm thành phố đầy sao” (Trần Long Ẩn), “Con đường có lá me bay” (Hoàng Hiệp & Diệp Minh Tuyền), “Này người yêu nhỏ xinh” (Nguyễn Ngọc Thiện), “Thơ tình cuối mùa thu” (Phan Huỳnh Điểu & Xuân Quỳnh), “Ở hai đầu nỗi nhớ” (Phan Huỳnh Điểu & Trần Đình Chính), “Thành phố, tình yêu và nỗi nhớ (Phạm Minh Tuấn & Nguyễn Nhật Ánh), “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Giọt nắng bên thềm” (Thanh Tùng)…, với điệu nhạc lời ca tình tứ, lãng mạn về tình yêu lứa đôi, được kể là “hàng hiếm” thời bấy giờ.

Con đường có lá me bay

Chiều chiều ta lại cầm tay nhau về…

(“Con đường có lá me bay”, Hoàng Hiệp & Diệp Minh Tuyền)

Cũng hàng me hàng phượng, cũng tay nắm bàn tay.

Những ngày không gặp nhau

biển bạc đầu thương nhớ

Những ngày không gặp nhau

lòng thuyền đau rạn vỡ

Nếu từ giã thuyền rồi

biển chỉ còn sóng vỗ

Nếu phải cách xa em

anh chỉ còn bão tố…

(“Thuyền và biển”, Phan Huỳnh Điểu & Xuân Quỳnh)

Cũng biển tình thuyền tình, cũng cách chia và nhung nhớ.

Khi thấy buồn em cứ đến chơi

Chim vẫn hót sau vườn đấy thôi

Chỉ có trong tôi, ngày đã sang đêm lâu rồi…

(“Giọt nắng bên thềm”, Thanh Tùng)

Cũng giọt nắng giọt buồn, cũng chim chóc bướm hoa.

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng

Em chở mùa hè của tôi đi đâu?

Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám

Thuở chẳng ai hay thầm lặng mối tình đầu…

(“Phượng hồng”, Vũ Hoàng & Đỗ Trung Quân)

Cũng phượng hồng phượng tím, cũng tình cuối tình đầu.

Nhiều nhạc sĩ của dòng “nhạc cách mạng” bắt đầu chuyển hướng sáng tác để dọn ra những món ăn tinh thần đáp ứng khẩu vị người yêu nhạc trong thời kỳ “đổi mới”. Một dòng nhạc mới, nếu không hẳn là nhạc vàng thì cũng… vàng vàng, róc rách chảy vào sinh hoạt ca nhạc ở trong nước tự lúc nào.

Nhạc vàng, thời hoàng kim của Boléro

Trên sân khấu các tụ điểm văn nghệ thời ấy cũng có sự góp mặt của các ca sĩ miền Nam, luôn là những giọng hát ăn khách, thu hút lượng khán giả đông đảo, như Duy Khánh hát “Tự nguyện” (Trương Quốc Khánh), Nhật Trường hát “Hương thầm” (Vũ Hoàng & Phan Thị Thanh Nhàn), Anh Khoa hát “Trị An âm vang mùa xuân” (Tôn Thất Lập)… Người ta cũng nghe được qua các băng, dĩa nhạc, qua đài phát thanh, phát hình các giọng hát quen thuộc của những ca sĩ còn ở lại trong nước, như Lệ Thu hát “Hà Nội niềm tin và hy vọng” (Phan Nhân), Thanh Lan hát “Đi qua vùng cỏ non” (Trần Long Ẩn), Lan Ngọc hát “Con đường có lá me bay” (Hoàng Hiệp & Diệp Minh Tuyền), Họa Mi hát “Quảng Bình quê ta ơi!” (Hoàng Vân)… Thường thì các ca sĩ này chọn hát những bài có nội dung “vô thưởng vô phạt” và nhạc điệu gần gần với nhạc miền Nam.

Cứ thế, cùng với những lần xét duyệt nhỏ giọt cho phép phổ biến những bài nhạc của miền Nam trước năm 1975, nhạc vàng lần lần đi vào sinh hoạt ca nhạc trong cả nước, lần lần đẩy lùi nhạc đỏ ra khỏi các sân khấu trình diễn. Nhạc đỏ, nếu không biến mất thì cũng mờ nhạt, họa hoằn lắm được các “nghệ sĩ nhân dân ưu tú” biểu diễn để chào mừng các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử trong đại của nhà nước ta.

Nhạc vàng, đến một lúc nào đó, không đợi nhà nước cho phép, trình diễn “vô tư” và tràn lan trên các sân khấu ca nhạc ở cả hai miền Nam Bắc.

Những cố gắng để cấm đoán, ngăn chận sự xâm nhập của nhạc vàng miền Nam chỉ là những cố gắng vô ích và tuyệt vọng. Lạ một điều, bài nhạc nào càng bị cấm đoán thì càng được người yêu nhạc tìm đến.

Không ngạc nhiên chút nào, lần đầu tiên kể từ ngày “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, nhà nước đã ra nghị định chính thức “bỏ quy định cấp phép ca khúc trước 1975”. Nghị định này ban hành vào tháng 1/2019 và được Cục Nghệ thuật Biểu diễn giải thích như sau:

“Bỏ cấp phép cho ca khúc nghĩa là ca khúc sáng tác ở thời gian, không gian nào cũng bình đẳng như nhau, không có khoanh vùng đặc biệt để cấp phép. Trước hay sau 1975 đều như nhau.”

Lời giải thích có vẻ tử tế và “hợp tình hợp lý” này (tiếc rằng chỉ đến sau 44 năm) chỉ như hợp thức hóa một sự đã rồi.

Những lời “tử tế” ấy không khỏi làm người ta nhớ, cũng Cục Nghệ thuật Biểu diễn này từng loay hoay để đưa ra lời giải thích “hợp tình hợp lý” rằng “người binh sĩ lên đàng” trong bài nhạc xuân “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương là… người lính chống Pháp, nhằm biện minh việc cấp phép cho ca khúc này sau hơn 40 năm bị cấm cửa.

Sự cấp phép cho “Ly rượu mừng”, cho nhiều bài của Phạm Duy và của các nhạc sĩ tên tuổi miền Nam càng cho người trong nước có thêm cơ hội làm quen và thêm yêu mến dòng “nhạc vàng” từng bị nhà nước lên án, cấm đoán trong suốt bao nhiêu năm.

Nghị định mở rộng cửa chào đón âm nhạc miền Nam trước năm 1975, cùng với sự tán thưởng nồng nhiệt của giới yêu nhạc trong nước dành cho các ca sĩ tên tuổi miền Nam từ hải ngoại về nước trình diễn, đánh dấu sự ra đi không hẹn ngày về của dòng “nhạc cách mạng” hay “nhạc đỏ”, cho dù có là “nhạc đỏ trữ tình”.

Đến đây không thể không nói tới sự lên ngôi của “dòng nhạc trữ tình Boléro”, nổi lên như một hiện tượng lạ, tạo cơn lốc cuồng nhiệt, thống lĩnh mọi sinh hoạt văn hóa văn nghệ trong nước. Những bài hát thể điệu boléro xập xình, tiết tấu chậm rãi, nhịp điệu rỉ rả, giai điệu luyến láy, mùi mẫn nỉ non rất hợp với tai nghe nhạc của người Việt mình, đi cùng lời ca dễ hiểu, dễ hát lại dễ đệm đàn với nhạc cụ thông dụng là chiếc guitar thùng.

Nhạc boléro, vốn được xem là thể loại nhạc bình dân, đại chúng ở miền Nam, như thế có đến hai đời sống, cách nhau đến gần nửa thế kỷ. Đời sống sau, tuy là tái sinh nhưng lại sống hùng sống mạnh hơn vì được phổ biến tràn lan trong cả nước chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi miền Nam như thời kỳ trước năm 1975.

Nhạc boléro miền Nam đã hoàn toàn chinh phục trái tim đồng bào miền Bắc kể từ khi được làm quen với thể điệu nhạc ấy, với lời ca tiếng hát ấy, như một món ăn ngon, hấp dẫn và hợp khẩu vị sau nhiều năm phải nhai đi nhai lại những món khó tiêu và ngán đến tận cổ.

Nhiều bài bản boléro mà người miền Nam xếp vào dòng nhạc hoài niệm thì nay được người miền Bắc và cả nước “phấn khởi hồ hởi” vực dậy, nâng niu, đắm đuối, gọi là “nhạc vàng boléro”, “tuyệt phẩm boléro”, “siêu phẩm boléro”. Nhạc boléro đã chính thức lên ngôi, đạt ngôi vị cao nhất trong mọi thể loại nhạc Việt. Nhiều ca sĩ “chuyên trị” boléro được ngưỡng mộ, tôn vinh và phong tặng những danh hiệu nổi đình nổi đám như “Nữ hoàng boléro” (những Lệ Quyên, Bảo Yến, Thanh Tuyền, Giao Linh, Hương Lan…), “Ông hoàng boléro” (những Chế Linh, Tuấn Vũ, Ngọc Sơn…), “Thánh nữ boléro” (Jang Mi, Kim Tuyến), “Ngọc nữ boléro” (Phương Anh), “Thiên thần boléro” (Quỳnh Trang), chưa kể những “Hoàng tử boléro”, “Công chúa boléro” và cả “Thần đồng boléro” nữa. Những thần tượng boléro này đã mê hoặc, hớp hồn không biết bao nhiêu… tín đồ boléro.

Còn phải kể đến một loạt gameshow boléro nở rộ, hấp dẫn và sôi động như “Tình boléro”, “Thần tượng boléro”, “Quán quân boléro”, “Solo cùng boléro”, “Kịch cùng boléro”, “Duyên dáng boléro”, “Sắc màu boléro”, “Tuyệt đỉnh song ca boléro”… thu hút đông đảo người xem.

“Đó là một loại âm nhạc có đẳng cấp,” ca sĩ Ánh Tuyết trong nước khẳng định khi nói về những tình khúc boléro. Cô nói thêm, “Âm nhạc không có chuyện sang, sến mà chỉ có hay hoặc dở.”

“Ông hoàng boléro” Chế Linh tiếp lời, “Nếu âm nhạc là lời nói cất lên từ trái tim thì Boléro chính là tiếng nói tình cảm nhất. Nó chan chứa, không bóng bẩy, đi thẳng vào lòng người nghe.”

Lạ một điều, không chỉ đóng khung trong thể điệu nhạc boléro, hầu như tất cả những bài nhạc vàng phổ biến của miền Nam ngày trước, bất kể thể điệu gì, từ boléro đến rumba, đến slow, slow rock, boston, ballad, habanera… đều được gọi chung là “dòng nhạc boléro” cho… tiện. Cứ theo cách gọi ấy, cả một khối di sản đồ sộ “nhạc vàng miền Nam” được người yêu nhạc trong nước, từ Nam ra Bắc, từ Bắc chí Nam tận tình khai thác như một nhu cầu tự phát, chẳng ai cấm cản gì được.

Chung cuộc, nhạc vàng của người miền Nam với đỉnh cao là thời hoàng kim của boléro, đã giải phóng người dân miền Bắc thoát khỏi sự thống trị của nhạc đỏ trong mọi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ để giành quyền tự do suy nghĩ, tự do bày tỏ cảm xúc, bộc lộ tâm tư tình cảm. Điều này thực sự có ý nghĩa, vì đấy chính là quyền tự do tư tưởng, là một trong những quyền tự do căn bản nhất của con người.

* * *

Câu chuyện Lộc “vàng” chua xót ấy sau cùng cũng có được một kết thúc có hậu. Ngày anh bước chân ra tù vẫn có vòng tay chờ đợi mỏi mòn của người con gái yêu anh, yêu những bài nhạc vàng anh hát, để cùng anh nối lại giấc mơ chưa tròn. Bây giờ anh là chủ quán cà-phê nhạc mang tên anh, Lộc Vàng, ven bờ Hồ Tây. Quán nhỏ nhưng ấm cúng, đủ cho khách yêu văn nghệ, cho bè bạn yêu nhạc vàng và cho cả anh chủ quán Lộc “vàng” ung dung bước lên sân khấu nhỏ, cất tiếng hát say mê những bài tình ca năm xưa đã đưa anh vào vòng lao lý, đã khiến người bạn thiết của anh nằm gục chết bên đường trong cô quạnh.

Anh mong chờ mùa thu

Tà áo xanh nào về với giấc mơ

Mầu áo xanh là mầu anh trót yêu

Mùa thu quyến rũ anh rồi…

Đấy là những câu hát chàng trai Lộc “vàng” trót yêu. Chỉ là “mùa thu”, là “tà áo xanh”, là “giấc mơ” thôi, vậy mà cũng đủ làm anh phải trả giá đến gần 10 năm đọa đày.

Sau cùng thì Lộc “vàng” vẫn đứng đó hát nhạc vàng. Như những văn hóa phẩm miền Nam có bị thiêu đốt nhưng vẫn không cháy được, những bài nhạc vàng ấy có bị giam nhốt nhưng vẫn không vùi dập được. “Không ai ngăn nổi lời ca”, như tên một bài hát quen thuộc trong các phong trào sinh viên tranh đấu ở miền Nam ngày trước. Nói như nhà văn, nhà đạo diễn điện ảnh Trần Văn Thủy trong tập tạp bút Trong Đống Tro Tàn, “Trong thời đại thông tin bùng nổ, toàn cầu hóa này, mọi cấm đoán, kiểm duyệt thô bạo với văn học nghệ thuật là một chuyện rất dại dột, là chuyện ‘Vác gậy ông đập lưng ông’ mà thôi.”

“Gậy ông đập lưng ông”, thật không gì rõ hơn, khi mà người yêu nhạc trong nước đi từ dửng dưng đến lạnh lùng quay lưng với nhạc đỏ để tìm đến với tình yêu nhạc vàng.

Nếu quả “Âm nhạc có thể làm thay đổi thế giới vì nó thay đổi được con người” (Music can change the world because it can change people. – Bono) thì chúng ta có lý do để tin rằng, sự thay đổi về khuynh hướng và quan niệm thẩm mỹ trong âm nhạc, nghệ thuật của người Việt trong nước sẽ tác động không ít đến những đổi thay về văn hóa, xã hội, chính trị cho đất nước mình. Sự thắng thế của nhạc vàng miền Nam là “hoàn toàn không thể đảo ngược” và là “xu thế tất yếu của thời đại”, như cách nói quen thuộc của nhà nước.

Không còn nghi ngờ gì nữa, trong cuộc đọ sức với nhạc đỏ miền Bắc, nhạc vàng miền Nam đã là “Bên thắng cuộc”.

https://vandoanviet.blogspot.com/2023/04/nhac-vang-ben-thang-cuoc.html

No comments:

“Seeking Freedom” Fingerpainting by Hồng Ngọc

“Seeking Freedom” Fingerpainting by Hồng Ngọc

Để đây để đọc lại

++ Yuval Noah Harari: Lessons from a year of Covid and political failures — what can we learn for the future? (FT, 25/2/2021), https://www.ft.com/content/f1b30f2c-84aa-4595-84f2-7816796d6841?segmentID=b73b0b4c-e767-e669-4996-e25935a5759d&twclid=11366833025191845888

++ Khái niệm 'quyền lực mềm của Joseph S. Nye. Soft power: the evolution of a concept - Joseph S. Nye, 20/12/2019, https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/2158379X.2021.1879572?scroll=top&needAccess=true&

++ Sự Băng Hoại Và Suy Đồi Của Xã Hội Việt Nam Hôm Nay Hay Là Hệ Lụy Từ Sự Đa Nhân Cách Tầng Lớp Trí Thức - Quách Hạo Nhiên, (viet-studies 26-2-20), http://www.viet-studies.net/kinhte/QuachHaoNhien_BangHoaiXaHoiHienNay.html

++ Nhân văn Giai phẩm – một trào lưu dân chủ, một cuộc cách tân văn học không thành - Thái Kế Toại, (TCNCVM, 2/12/2020), https://usvietnam.uoregon.edu/nhan-van-giai-pham-mot-trao-luu-dan-chu-mot-cuoc-cach-tan-van-hoc-khong-thanh/

++ Loạt bài nghiên cứu, phân tích sâu sắc, khoa học của GS Hoàng Xuân Phú: Tội ác Đồng Tâm - Hoàng Xuân Phú, (11/2/2020), http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=ToiAcDongTam-20200211; ++ Viết thêm về tội ác Đồng Tâm - Hoàng Xuân Phú, (1/3/2020), http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=VietThemVeToiAcDongTam-20200301; ++ Giải mã vụ Đồng Tâm - Hoàng Xuân Phú, (7/3/2021), http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=differentwritings


+

Vụn vặt

++"... không có tự do thì không thể có sáng tạo thật sự. Tự do là thứ Thượng đế ban cho (cũng có thể là gánh nặng mà Ngài chất lên vai) con người. Con người biết đến đau khổ từ khi nó được ban cho quà tặng đó, một gánh nặng luôn quá sức với nó. Nó thậm chí, nếu có thể, khước từ là cách hay ho nhất cho nó. Nhưng thiếu tự do thì con người sẽ chỉ là cỗ máy được lập trình và không xứng đáng để Chúa trời phải cứu chuộc bằng sự hy sinh đau đớn như vậy. Tại sao Chúa không dùng quyền năng để con người khiếp sợ mà răm rắp làm theo lời ngài, một việc có lẽ là đơn giản nhất? Bởi vì Ngài biết rằng Ngài tạo ra con người cùng với tự do. Ngài không thể tước ở con của Ngài thứ quà tặng đó, thứ mà thiếu nó thì công cuộc tạo lập của Ngài không hoàn hảo, thậm chí vô nghĩa. Tự do, ở thời kỳ con người ý thức nó có cái quyền ấy, luôn gây ra những hậu quả trái ngược. Một mặt nó biết nó là Con Người với nhân phẩm cao quý phải được tôn trọng, nó có quyền sáng tạo nên những giá trị thuộc về cái đẹp, nó có quyền lựa chọn đau khổ hay hạnh phúc. Nhưng mặt khác, nó cũng có thể tự do lựa chọn hoặc cái thiện, hoặc cái ác. Trong trường hợp nó lựa chọn cái ác thì Tự do quả là kinh khủng. Vì thế con người không có cách nào khác là phải hướng về Đấng Toàn Năng, có thể hiểu là nơi chứa đựng Cái Tuyệt Đối chuẩn mực..." ++Bản giao hưởng 'Requiem' của Mozart được dàn giao hưởng Ba Lan (Polish Sinfonia Iuventus Orchestra và Warsaw Philharmonic Choir) thể hiện tuyệt vời, với phụ đề tiếng Anh. Mozart – Requiem, https://www.youtube.com/watch?v=54h8TxJyNy0. Stunning! What a great artwork! ++Hồi ký "Gọng Kềm Lịch Sử" của cựu đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Mỹ, Bùi Diễm (1923-2021), http://www.vietnamvanhien.org/gongkemlichsu2.html ++Mozart – Requiem https://www.youtube.com/watch?v=54h8TxJyNy0 Wolfgang Amadeus Mozart – Requiem KV 626 Bartosz Michałowski – conductor Sylwia Olszyńska – soprano Agata Schmidt – mezzo-soprano Karol Kozłowski – tenor Adam Kutny – baritone Polish Sinfonia Iuventus Orchestra Warsaw Philharmonic Choir recorded November 01, 2019 at Warsaw Philharmonic Concert Hall 0:00 Applause 0:55 Introitus: Requiem aeternam 5:40 Kyrie eleison Sequenz 8:06 Dies irae 9:47 Tuba mirum 13:31 Rex tremendae 15:51 Recordare 21:31 Confutatis 23:50 Lacrimosa Offertorium 27:21 Domine Jesu 30:45 Versus: Hostias et preces 34:45 Sanctus 36:30 Benedictus 41:46 Agnus Dei 44:47 Communio: Lux aeterna 50:21 Credits ++Nhân vật Meursault trong Kẻ xa lạ của A. Camus ngay từ những dòng đầu khi miêu tả cuộc gặp trong bệnh viện và khi sau này người con trai ngồi bên quan tài của mẹ. Nhân vật chính của thiên truyện từng nghĩ: “Tôi không hề chờ đợi tôi chào đời. Sự có mặt của tôi trên đời chỉ là kết quả từ một quyết định của người khác, không phải là của tôi, từ sự kết hợp hoàn toàn ngẫu nhiên của một con tinh trùng vô trách nhiệm với một cái trứng phóng đãng và vì vậy, mỗi lần bị nhắc phải nhớ đến ngày sinh của mình chỉ làm cho tôi kinh hoàng và cảm thấy một sự trói buộc khủng khiếp”. Những đám mây phủ bóng phận người, (Viet-studies, 1/1/21), http://www.viet-studies.net/HuynhNhuPhuong_NhungDamMay.html ++Phần chú thích: '* “Tư hữu Nhà nước” (hoàn toàn khác với “Nhà nước tư hữu”, hay “Nhà nước tư bản”) là cụm từ tôi được nghe lần đầu từ thầy Phạm Vĩnh Cư, trong đó Nhà nước công hữu bị một nhóm nhỏ người có quyền lực (chính trị và kinh tế, gọi chung là nhóm cá mập) lợi dụng như một công cụ đàn áp khổng lồ để dễ bề tước đoạt của số đông làm của riêng, một cách hợp pháp.'. Nguồn: Tạ Duy Anh: Thầy Phạm Vĩnh Cư, (VV, Tháng 11, 21), https://vandoanviet.blogspot.com/2021/11/thay-pham-vinh-cu.html