Tương Lai - Đôi điều ngẫu hứng ghi lại một chặng đường đời (Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 139), (VV, 13/4/23), https://vandoanviet.blogspot.com/2023/04/oi-ieu-ngau-hung-ghi-lai-mot-chang-uong.html
“Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại”.
Đã đến cái tuổi có thể tự cho phép mình vắt tay nằm nghĩ sự đời. Sự đời ấy liệu có phải là “đời thường” như Việt Phương từng viết trong tập thơ “Bơ vơ đông đảo” anh tặng tôi dạo nào
Ánh sáng thẳng băng không méo lệch một phương
Cái cuộc đời vậy đó mà dám gọi đời thường[1]
để rồi từng câu thủ thỉ của anh như thấu buốt trong tâm hồn tôi
…Ơi lời nguyền lời nguyền thời thơ trẻ
Tóc đã bạc đầu ta vẫn như đứa bé lên ba
Chưa hiểu nổi chỉ chìm vào chỉ tan ra
trong biển rộng
Dào dạt sóng trọn đời ta khi nhớ khi quên
vẫn dào dạt sóng
Và thế rồi anh ra đi, để lại trong tôi nỗi day dứt một nỗi niềm mà người nhạc sĩ tôi yêu mến đã gợi lại làm xốn xang bâng khuâng thức nhớ những kỷ niệm chìm vào một quãng đường đời
“Ngày tháng nào đã ra đi khi ta còn ngồi lại”.
Câu hát Trịnh Công Sơn từng chìm vào trong sâu lắng của những đêm không ngủ được để hôm nay bật dậy như một đề từ dành cho bài “Mênh mông thế sự” này những gì muốn viết “khi ta còn ngồi lại” trong bề bộn suy tư. Đứng trước di ảnh của anh, khói nhang ở nén nhang vừa thắp toả hương, hoà với mùi hương của hoa ngập tràn trên ban thờ như khơi dậy những hoài niệm trong ngày 1 tháng Tư – ngày nói dối – vậy mà anh thật sự đã chia tay cuộc đời nhưng sự nghiệp của anh, hình bóng anh thật sự đang sống, đang ngày càng lan toả trong cuộc đời nhiễu nhương và dung dưỡng nhiều phi lý này, đang khơi dậy niềm vui sống.
Tôi thật choáng ngợp với Chương trình Kỷ niệm Trịnh Công Sơn mà Nguyễn Trung Trực – bạn thân của tôi gửi cho tôi. Tôi thật cảm phục người đang đem hết nhiệt tình và tình cảm yêu thương Trịnh Công Sơn để tham gia và thúc đẩy các hoạt động cực kỳ phong phú của nhiều lĩnh vực âm nhạc, hội hoạ của người nhạc sĩ và hoạ sĩ tài hoa ấy trên khắp cả nước mà Trực đang góp phần. Khó mà kể ra đây những hoạt động phong phú sinh động trên mọi miền của đất nước. Hoạt động ấy có một ý nghĩa rộng lớn. Bởi nhẽ:
“Âm nhạc là sự chuyển động của âm thanh vươn tới tâm hồn để giáo dục đức hạnh cho con người, Platon – nhà triết học vĩ đại, một trong ba trụ cột của văn minh Hy Lap – từng nói như vậy. Còn Beethoven, nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức thế kỷ XIX khẳng định: “Âm nhạc là sự giác ngộ cao hơn cả triết học và tri thức. Âm nhạc là nhà hòa giải giữa cuộc sống thể xác và cuộc sống tâm linh”, cũng vì vậy ông cho rằng âm nhạc là sự giác ngộ cao hơn cả triết học và tri thức. Vì rằng, theo Mozart – thiên tài âm nhạc người Áo thế kỷ XVIII, một thần đồng mà tài năng cho tới ngày nay chưa có ai vượt qua được – thì nói rõ: “Âm nhạc không nằm ở các nốt nhạc mà nằm ở khoảng lặng giữa chúng”.
Phải chăng từ “khoảng lặng” ấy mà giữa cuộc đời ồn ào và hối hả, nhiều vui và cũng lắm nỗi buồn, nhiều hài kịch và cũng lắm bi kịch, con người có được những giây phút thanh thản làm dịu mát tâm hồn như đại văn hào W. Shakespeare người Anh và cũng là nhà viết kịch vĩ đại của thế giới đã từng cho rằng “Âm nhạc là lương thực tinh thần của chúng ta chỉ sau tình yêu”.
Liệu âm nhạc của Trịnh Công Sơn có đóng góp được vào cái “khoảng lặng” ấy không? Nghĩ về Trịnh, người nhạc sĩ thiên tài của chúng ta, gợi lại những đánh giá bất hủ vừa dẫn, càng thấy mênh mông nỗi nhớ về con người và sự nghiệp của anh trong cuộc đời mà chúng ta đang sống và tấm lòng của anh đang “gửi gió cuốn đi” cho mãi mai sau như anh từng ấp ủ.
Và cũng đừng quên, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn là một tài năng thiên bẩm về hội hoạ. Nghĩ về điều này, tôi nhớ là Schumann, một trong những thiên tài âm nhạc mà cách đây không lâu, nhiều tổ chức âm nhạc trên toàn thế giới đã trang trọng kỷ niệm 200 năm ngày sinh, từng nói rằng “Họa sĩ biến thơ thành tranh; nhạc sĩ biến tranh thành âm nhạc”. Triển lãm về hội hoạ Trịnh Công sơn vừa rồi cho thấy rõ thêm về điều đó.
Trong phòng làm việc của tôi, bức ký hoạ mà anh ngẫu hứng vẽ trên một tở giấy trắng khổ 4/5 đã hơi úa vàng tôi quý hơn vàng, trang trọng lồng khung treo bên cạnh bức tranh “Tiến thoái lưỡng nan” do hoạ sĩ Ông Thế Công vẽ bằng sơn dầu tôi ngồi trên ghế tựa tại nhà anh năm 2001 nhân dịp tôi sang Paris tại nhà anh, sau ngày Sơn mất không lâu. Rồi hai chúng tôi lang thang trên nhiều đường phố Paris, đi tìm một ngôi nhà lưu niệm tư nhân của danh nhân Pháp để suy nghĩ xem, liệu có thể gợi ý hình thành nhà lưu niệm Trịnh ở 47C Phạm Ngọc Thạch tại Sài Gòn.
Bức ký hoạ ấy anh chỉ vẽ trong 5 phút, ấy thế mà anh bạn thân của tôi – nhà phê bình nghệ thuật cực kỳ uyên bác và tài hoa Thái Bá Vân – đã nói nhỏ vào tai vợ tôi: “Chị cất giữ cho kỹ vì đó rồi sẽ là một báu vật đấy”. Ngẫm sâu vào câu nói của Schumann khiến tôi hiểu hơn về bức ký hoạ ấy cũng như những bức tranh của người nhạc sĩ ấy trong những triển lãm về hội hoạ Trịnh Công Sơn đang diễn ra cùng với những hoạt động kỷ niệm rộng khắp trên nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Để khỏi phải dài dòng kể lại những hoạt động kỷ niêm Trịnh Công Sơn, tôi trích dẫn ra đây bài phát biểu của ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, em gái Trịnh Công Sơn, tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 29.3. 2023: “22 năm đã là một chặng đường khá dài. Cho phép tôi ghi lại đây một số sự kiện quan trọng trong năm nay: Bộ phim “Em và Trịnh” ra mắt năm 2022 – được tiếp tục trình chiếu tại nhiều rạp ở Anh, Mỹ... từ thủ đô Washington đến bang California và tại một số giảng đường đại học Mỹ. Cũng để kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt-Hàn, tháng 12 năm 2022, Bộ Văn hoá chiếu và lưu trữ tại Trung tâm Văn hoá Á châu (ACC) tại đây. Bài “Đại Bác Ru Đêm” cũng sẽ là bài mở màn và kết thúc của bộ phim gồm 7 tập về Việt Nam – do kênh truyền hình HBO Mỹ sãn xuất và phân phối. Phim sắp được bấm máy tại Mỹ mà đạo diễn là người Hàn Quốc, ông được xem là một trong những đạo diễn hàng đầu thế giới hôm nay. Bài “Nhìn Những Mùa Thu Đi” cũng được sử dụng trong một phim mới vừa quay xong về những ca sĩ trẻ thuộc thế hệ Z của Việt Nam với sự hợp tác của Goethe Institute của Đức và Universal Music của Mỹ trong chương trình âm nhạc giới thiệu hiện tượng âm nhạc mới từ Úc, Tân Tây Lan đến các nước Đông Nam Á.
… Hà Nội luôn là một trong những điểm đến có ý nghĩa nhất trong hành trình sáng tạo của Trịnh Công Sơn. Các nghệ sĩ của thủ đô, trong đó có một số em xuất hiện tối nay trong Chương trình “Như Cánh Vạc Bay” luôn là những người đặt những dấu mốc quan trọng trong việc đem nhạc Trịnh đến với người hâm mộ đến với thế hệ trẻ của Việt Nam và ra thế giới. Công chúng của thủ đô nói riêng và của Việt Nam nói chung luôn là những người dành tình cảm yêu thương đặc biệt cho những sáng tác của anh chúng tôi, tôi mong muốn các nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo để di sản âm nhạc Trịnh Công Sơn luôn sống trong tình thương yêu đặc biệt của các bạn và những người yêu nhạc Trịnh”.
Ngày tháng nào đã ra đi. Ngót nghét gần 90 năm trôi qua, những người thân yêu, những bạn bè chí cốt lần lượt không còn nữa. Hình hài mất, nhưng bóng dáng, gương mặt, nụ cười, và những dấu ấn quen thuộc mà họ để lại trong tôi không hề phôi pha.
Vì thế, “những ngọn gió vô vọng xua nỗi buồn thiên thanh” (Les vents chassent en vain les chagrins de l'azur), câu thơ Louis Aragon – nhà thơ Pháp – từng lay động tâm hồn tôi. Ngọn gió ấy đã vô tình đưa tôi đến gần những người có thể xua nỗi buồn thiên thanh ấy mà tôi cảm nhận được trong không gian Trịnh đêm nay trong khi gần 1300 bạn trẻ hội tụ bên mộ người nhạc sĩ mà họ yêu mến, những giai điệu và ca từ nhạc Trịnh đã ngân vang, lan toả suốt đêm mà Trịnh Vĩnh Trinh không giấu được xúc cảm trào dâng đã cất tiếng hát hoà cùng với những giai điệu Trịnh mà các bạn trẻ đang say sưa ngẫu hứng trình diễn thì ở đây, chúng tôi đang chia sẻ với những vang vọng từ giai điệu Trịnh. Phải lưu luyến tạm chia tay với các bạn trè, Trịnh Vĩnh Trinh còn trở về lại 47C Phạm Ngọc Thạch để tiếp tục hát trong đêm Giỗ ở nhà vì nhiều thân hữu và bạn bè trong, ngoài nước vẫn còn ngồi lại tận khuya. Ở đây giai điệu Trịnh lại ngân nga. Tiếng kèn saxophone của Trần Mạnh Tuấn trầm bổng réo rắt quyện vào mùi thơm của những nén nhang liên tục được cắm trên ban thờ và mùi hương của hoa toả ngát trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng Trịnh Công Sơn. Xin nói thêm là người nghệ sĩ tài hoa với tiếng kèn quyến rũ diệu kỳ ấy chưa bao giờ vắng mặt trong những ngày sinh, ngày mất của Trịnh suốt 12 năm qua, vừa trải qua môt bạo bệnh thập tử nhất sinh, hiện đang phải tiếp tục điều trị và tập luyện, đêm nay vẫn ngồi xe lăn để đến với người mà anh yêu mến. Âm vang của tiếng saxophone với sức lay động huyễn hoặc như để nhắc nhủ “sống trong đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì… để gió cuốn đi”.
Tấm lòng ấy, tôi được gặp trong nhiều bạn bè quen thuộc, những người hâm mộ thân quý Trịnh, những bạn người Nhật, người Hàn… đặc biệt có những người bạn như Nick Ut – người chụp napalm girl, bức ảnh ấy chụp ngày 8 tháng 6 năm 1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh được trao Giải Pulitzer. Tôi đã có dịp tìm đọc kỹ về người phóng viên của hãng AP ấy để nay tay bắt măt mừng trong ngày Giỗ lần thứ 12 của Trịnh Công Sơn khi tôi ngồi cùng một bàn với anh. Khó có thể kìm được cảm xúc. Tôi đề nghị anh nâng máy. Nick Ut hỏi: “Chụp anh?”. “Không” – tôi trả lời. “Tôi thì có gì đáng chụp, tôi muốn một bức ảnh mà chính người phóng viên chiến trường dũng cảm từng gây chấn động chính trường Mỹ những năm đầy bi kịch đã qua ấy, trực tiếp ghi hình ngày Giỗ Trịnh Công Sơn của “Đại bác ru đêm”, của “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” trong căn phòng ấm cúng hôm nay”. Không chút ngần ngừ, ngồi tại chỗ, anh giương máy ảnh chụp những người ngồi cùng bàn đối diện đang nói chuyện với anh, trong đó có Gari Knight nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Mỹ. Đáng tiếc là tấm ảnh Nich Ut chụp tôi đang cầm trong lại thiếu Gari Knight người bạn Mỹ, có lẽ do anh ngồi cách tôi hơi xa.
Thái độ cởi mở và thân thiện của nhà nhiếp ảnh nổi tiếng làm dịu mát tâm hồn tôi để ấm áp hơn với lời động viên thân tình của anh: “Tôi đã được cho biết là ông đã có những bài đăng trên The New York Times…”. Tôi cười trả lời: “Chỉ là một bài báo nhỏ, do Thomas Fuller gợi ý. Vào dạo ấy dạo ấy Thomas Fuller phóng viên của The New York Times đến thăm và phỏng vấn tôi tại nhà, dễ cũng đã hơn 20 năm. Anh ấy gợi ý với tôi nên viết cho The New York Times và tôi đã viết ba bài ngắn lần lượt đăng trên một tờ báo lớn ở Mỹ đưa lại cho tôi một niềm vui bất ngờ”. Gari Knight chìa tay, một lần nữa nắm chặt tay tôi.
Đúng là hữu duyên thiên lý năng tương ngộ. Cuộc đời có những giây phút thật quý giá mà ta phải trân trọng gìn giữ. Hơn nữa sự “tương ngộ” đặc biệt này lại diễn ra trong ngôi nhà gợi nhớ biết bao kỷ niệm của Trịnh Công Sơn ngập tràn hoa vấn vương hình bóng người mà chúng ta thương nhớ.
Câu hỏi của Gari Knight khiến tôi bần thần suy nghĩ. Thế là không biết là lần thứ mấy tôi được các bạn Mỹ nhắc đến chuyện bài báo, những bài báo của một người vô danh với công chúng quen thuộc của tờ báo lớn ở Mỹ. Lý do đơn giản là các bạn Mỹ rất quan tâm đến những gì đang diễn ra ở Việt Nam ở tận bên kia Thái Bình Dương. Họ biết một Việt Nam đang phải đối diện với một kẻ thù ở sát nách mình đang gây sức ép lên ý chí và khát vọng độc lập dân chủ và tự do hôm nay, đặc biệt lên một vài một số người nắm được quyền lực trên chóp bu mà họ dễ thao túng. Những người bạn Mỹ chân chính đã hiểu được một Việt Nam đã từng đánh tan tành quân xâm lược của “thiên triều” và dõng dạc tuyên bố “Nam quốc sơn hà nam đế cư. Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”**. Đó là chân lý lịch sử đã khắc sâu vào tâm thế người Việt không gì làm thay đổi được, cho dù trong quá khứ cũng như hiện nay, một số thế lực cầm quyền hèn nhát cúi đầu tuân phục Bắc Kinh quên mất bài học lịch sử. Những người bạn Mỹ ấy hiểu rằng chúng đã và sẽ bị nhân dân nguyền rủa và ném vào sọt rác của lịch sử.
Mới đây thôi, ngày 7.4.2023. BBC đưa tin: giáo sư C. Thayer, nhà bình luận quen thuộc và uy tín đã nói rõ “Tâm lý bài Trung về bản chất là một trong những yếu tố cản trở mạnh mẽ lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam liên kết với Trung Quốc” cho nên ‘Việt Nam phải đi “một đường thẳng ngoằn ngoèo’”... Nhận định đó của một nhà khoa học rất am hiểu về Việt Nam đã làm rõ thêm “tâm thế người Việt” vừa nói ở trên. C. Thayer đã từng đến thăm đảo Lý Sơn khi ông tham dự cuộc Hội thảo về Hoàng Sa. Ông nhận định: “Đảo Lý Sơn đã cung cấp một sự biểu dương về khía cạnh thực tiễn lịch sử hàng hải lâu đời của Việt Nam”. Ông cũng đã đến xem lễ khao lề thế lính trên đảo Lý Sơn. Dưới con mắt của nhà nghiên cứu hàng đầu về Việt Nam, “buổi lễ này đã tái hiện phần lịch sử trong trí nhớ con người về các hy sinh và thắng lợi của người Việt hơn hai thế kỷ trước”.
Tôi có hân hạnh đươc quen biết ông từ lâu. Dạo tôi đến Canberra dự một Hội thảo khoa học, dễ cũng đã gần 40 năm, ông có mời tôi đến nhà ông ăn cơm tối, lúc ấy ông là Chủ tịch Hội Úc-Việt hữu nghị, ông là người có hai quốc tịch là Mỹ và Australia. Rất tiếc là tấm ảnh tôi chụp với hai ông bà đã quá ố vàng không đưa lên tang viết được. Rồi sau này C. Thayer cũng nhiều lần đến Việt Nam và tôi cũng đã mời ông đi ăn “cơm bụi” vì ông muốn như thế. Tại phố Tạ Hiền, ông đã thích thú với những món ăn Việt Nam và hương vị món chè vừng đen, tiếng Tàu là “chí mà phù”, ở một quán nhỏ của anh Phạm Bằng, một diễn viên nổi tiếng mà tôi thân quen, mở quán để thêm thu nhập vì tiền lương nghệ sĩ quá hẻo. Thế rồi C. Thayer thú vị hóm hỉnh nói với bạn bè của mình: “Đến Hà Nội thì cứ gặp ông Viện trưởng Viện Xã hội học sẽ được mời đi ăn “cơm bụi” vừa ngon vừa rẻ”. Chúng tôi thân quen từ đó. C. Thayer là một học giả uyên bác, am hiểu sâu về Đông Nam Á và Việt Nam. Có lần ông mời tôi đến phòng làm việc của ông tại Học viện Quốc phòng Australia mà ông là giáo sư giảng dạy ở đó.
Tôi quá ngạc nhiên và khâm phục khi đứng trước giá sách của ông. Ở đó có đầy đủ các tờ báo lớn của Việt Nam, trong đó có những tờ báo Cứu Quốc, Giải Phóng… in từ những năm 1944, 1945, 1946 còn Báo Nhân Dân, Đại Đoàn Kết, Quân Đội Nhân Dân thì dường như không thiếu một tờ nào hoặc một tuần nào, một ngày nào, tuỳ theo kỳ hạn của tờ báo. Hỏi vì sao ông có một sưu tập quý đến vây, ông cười trả lời tôi: “Ồ, tôi nhờ CIA, họ gửi cho tôi và tôi trả tiền cho họ!”.
Tôi đã thường xuyên nói với những người bạn Mỹ cũng như những người bạn đến từ châu Âu, từ Nhật Bản, từ Australia… đến thăm tôi về cái tâm thế Việt mà Carl Thayer vừa gợi lên. Trong một Hội thảo tại Chicago (Mỹ) về Đông Nam Á (chủ đề chính xác tôi quên mất rồi), tôi lại gặp ông. Ông đến ngồi cạnh tôi. Tham luận của ông vẫn là vị trí và vai trò của Việt Nam trên chính trường khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Một người Mỹ khác, giáo sư Charles Hirsman, người bạn thân quý của tôi, nguyên là Chủ tịch Hội đồng Xã hội học Mỹ, trong một dịp cả hai ông bà đến thăm tôi, câu đầu tiên khi ngồi xuống ghế đã tươi cười nói ngay: “Tôi rất mừng đã đọc bài Vietnam’s Angry Feet của anh trên The New York Times”, rồi ông nhiệt tình hỏi về “những bước chân nổi giận” hiện giờ đang diễn biến ra sao vì ông vẫn đang theo sát tình hình của một đất nước mà ông đã dành nhiều tâm huyết giúp đỡ Viện Xã hội học Việt Nam để đào tạo một chuyên ngành xã hội thực thụ với một nền tảng vững chắc. Ông say sưa nói về những công việc đang làm với các nhà xã hội học trẻ Việt Nam hiện nay.
Charles Hirsman tỏ ý tiếc nuối về công trình nghiên cứu của ông và chúng tôi tại các tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ dạo nào bị bỏ dở, khi tôi từ chức Viện trưởng Viện Xã hội học vì bất đồng với ứng xử của cấp trên – vừa cấp trên trực tiếp vừa sức ép của từ trên cao chót vót – mà tôi dứt khoát vứt bỏ mọi ràng buộc, để được mình phải là chính mình. Việc từ chức đó của tôi khiến Charles Hirsman không còn hào hứng tiếp tục cuộc khảo sát xã hội học đầy hứng khởi và có giá trị khoa học với các tỉnh ở đồng bằng sông Hồng. Tôi đành xin lỗi về một việc đặng chẳng đừng không liên quan gì đến đề tài nghiên cứu mà tôi rất trân trọng và hào hứng vì học hỏi được nhiều từ một bậc thầy xã hội học như ông. Tôi và nói với ông là tôi vẫn tiếp tục trở lại với Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình quen thuộc của hai chúng tôi trong tư thế mới, thoải mái tự do không bị ức chế bởi mọi ràng buộc để tự do thực hiện sự đam mê xã hội học. Ông cười, nắm chặt tay tôi, tế nhị thể hiện sự thông cảm, cho dù thật ra ông cũng chưa hiểu được tại sao tôi từ chức, mà tôi thì không muốn nói với người bạn nước ngoài dù tôi thật lòng quý mến lý do sâu xa mà tôi buộc phải từ chức để dở dang một công trình nghiên cứu khó lặp lại. Cho đến tận hôm nay tôi vẫn day dứt về sự dở dang của công trình nghiên cứu khoa học với sự cộng tác giúp đỡ của môt chuyên gia hàng đầu về xã hội học. Sau đó không lâu, chúng tôi lại gặp nhau ở thành phố Hồ Chí Minh, và ông trách: “Sao lâu nay không thấy anh trên The NewYork Times?”. Tôi cũng đã đến nhà ông ở Seattle. Cụ thân sinh của ông đã mời tôi đi ăn cá hồi ở môt quán ăn nổi tiếng. Khi cụ sang Việt Nam cùng con trai, tôi đã mời cụ đi ăn chả cá Lã Vọng và cụ muốn tôi dẫn đi thăm chùa Tây Phương mà tôi đã kể tại nhà cụ dạo nào về ngôi chùa rất đẹp với những “bức tượng gỗ các vị La Hán” độc đáo. Tôi hiểu tấm lòng bè bạn của những bạn Mỹ với Việt Nam.
Chỉ một chút xíu về một bài báo nhỏ của một người Việt Nam từng hiểu rõ sự tàn khốc của bom napalm, B52, chất độc dioxin… đã khiến cho những người Mỹ chân chính trân trọng đón nhận. Tôi vẫn giữ danh thiếp của nhà báo Thomas Fuller in trên nền một cuộc biểu tình phản đối chiến tranh và ngẫm nghĩ về ý nghĩ sâu nặng của một cây bút Mỹ có trách nhiệm. Mà đâu chỉ những cây bút Mỹ, các phóng viên Nhật của Kyodo News như Kazuhisa Miyake, như Nobuhiro Okuma đến thăm và phỏng vấn tôi mặc dầu có dè dặt và tế nhị hơn vẫn không không giấu được ác cảm với thể chế toàn trị Đại Hán của Bắc Kinh.
Ở trên tôi viết về sự nhiễu nhương phi lý của cuộc đời một phần cũng vì lẽ đó. Thế rồi, cũng chỉ một mẩu ghi chép về thời cuộc trên “Mênh mông thế sự”, tôi nhận được lời động viên của giáo sư Benedict Kerkvliet gửi từ Honolulu ngày 19.2.2018: “Tôi hoàn toàn đồng ý là các bài viết của anh đã và đang góp phần cho cuộc chiến đấu. Nếu có thời gian anh gửi đến tôi chuyên mục hàng tuần của anh thì rất quý… Tôi nhìn thấy trên blog Dân Quyền bài Mênh mông thế sự của anh. Bài này cũng có trên các blog khác không?”. Lá thư gửi cho tôi, Benedict viết bằng tiếng Việt. Anh là bạn thân của tôi, một nhà nghiên cứu chuyên sâu về Đông Nam Á và Việt Nam. Tôi đã nhiều lần ngồi trò chuyện với anh khi anh đến Việt Nam để tìm hiểu những gì anh sẽ viết. Anh viết trong thư “Cuốn sách tôi đang viết [về Việt Nam], lúc nào in xong tôi sẽ gửi cho anh”. Và tôi đã nhận được cuốn sách ấy.
Lá thư của Benedict gửi cho tôi gợi nhớ đến một câu nói: “Tôi hiểu nỗi đau và sự phẫn nộ trong anh, tôi chia sẻ với cuộc đấu tranh không mệt mỏi mỏi của anh chống lại kẻ thù cướp nước như hàng ngàn năm cha ông của anh đã phải làm”. Đây là câu của Andrej Motyl – Đại sứ Thuỵ Sĩ – trong dịp đến thăm tôi khi tôi nói với ông là tôi vừa đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược về. Ông nói chuyện rât thân tình và cởi mở, mặc dầu chúng tôi chỉ mới lần đầu gặp nhau.
Câu chuyện trôi đi gần hai tiếng đồng hồ, tôi chủ động dừng lại vì sợ ông Đại sứ nhỡ chuyến bay. Ông xua tay, cười: “Không sao. Còn thời giờ. Mà nếu có nhỡ thì tôi sẽ ngủ nhờ trên chiếc đi văng này chắc ông không từ chối chứ”. Nỗi xúc động trào dâng khiến tôi sững nhìn Andrej Motyl không biết nói gì. Tôi nhớ mãi tình cảm của ông Đại sứ Thuỵ Sĩ cũng như ông Đại sứ Anh Giles Lever, người mà trong nhiệm kỳ làm Đại sứ ở Việt Nam đã bốn lần đến uống trà tại nhà tôi ở Sài Gòn và hai lần mời tôi đến uống cà phê sáng tại tư dinh của ông khi biết tôi đang ở Hà Nội. Tôi có một ấn tượng sâu đậm về Giles Lever về tình cảm ông dành cho tôi và về sự quan tâm đến tình hình Việt Nam khi nhắc đến những bài viết của tôi mà ông tìm được trên mạng.
Chiếc đồng hồ để bàn nhỏ xíu mà ông Andrej Motyl tặng dạo ấy vẫn trân trọng đặt ngay trước bàn máy tính như đang gõ nhịp thời gian để đo xem liệu tôi sẽ làm được gì trong chặng cuối của cuộc đời vô thường không thiếu những phi lý này! Chao ôi, chiếc đồng hồ nhỏ xíu ấy cứ như giục giã và tiếp sức cho tôi đi tiếp cuộc đời này sao cho có ý nghĩa. Hình như Shakespeare đã nói: “Khi sinh ra, ta cất tiếng khóc bởi ta đã bước vào sân khấu vĩ đại của những kẻ dại khờ”. Những kẻ dại khờ trên cái sân khấu vĩ đại ấy có tôi, vậy tôi – một kẻ dại khờ – sẽ sống tiếp sao đây trong cuộc đời vô thường đầy những nghịch lý này?
Trong cuộc vô thường đó, như một thói quen khó bỏ, mỗi lần có những dằn vặt hay trống rỗng trong suy tư, tôi thường lật những cuốn sách mà từng chương, từng đoạn, từng thân phận, từng cảnh ngộ đã nhớ nằm lòng ra đọc, để rồi lại mông lung suy ngẫm với nhân vật trong sách bước ra như Andrey Bolkonski (nhân vật mà tôi yêu nhất trong “Chiến tranh và hoà bình” của L. Tolstoi) bị trọng thương đang nhìn lên bầu trời: “Nhưng bây giờ mình có cần gì nữa – chàng nghĩ. Bên kia sẽ có gì, và ở đây trước kia có những gì? Vì sao trước đây ta lại thấy tiếc khi từ giã cuộc đời? Trong cuộc đời ấy có một cái gì mà trước đây ta không hiểu, và bây giờ ta cũng chưa hiểu”. Quả đúng là như vậy. Ai dám nói rằng mình đã hiểu hết được cuộc đời, lẽ đời?
Một cuộc đời lẫm liệt như Cao Bá Quát mà cũng đã phải tự giễu mình
Tươi nét mặt thư sinh lồ lộ, bưng mặt trần toan đạp cửa phù đồ,
Rửa buồng gan du tử nhơn nhơn, giương tay Tạo rắp xoay cơn khí số.
Tưởng đến khi vinh hiển coi thường;
Song nghĩ lại trần ai đếch chỗ.
Lều nho nhỏ kéo tấm tranh lướp tướp, ngày thê lương hạt nặng giọt mưa sa;
Đèn cỏn con co chiếc chiếu loi thoi, đêm tịch mịch soi chung vừng trăng tỏ
Con người muốn “đạp cửa phù đồ”, “xoay cơn khí số” ấy rồi cũng phải tự vấn
…Vắt tay nằm nghĩ chuyện đâu đâu
Đem mộng sự đọ với chân thân thì cũng hệt…
… Làm chi cho mệt một đời.
Trong cuộc đời ấy, những tính cách như Cao Bá Quát không có chỗ đứng – “trần ai đếch chỗ” –nhưng lại không cam chịu làm tấm bia không chữ: “Thế sự hà kham một tự bi”. Con người ấy đang day dứt
Trông ra nhấp nhố sóng nhân tình,
Ngoảnh lại vật vờ mây thế cố.
Ông phải có thái độ, nhưng thái độ ấy là thế nào đây? Cố tạo ra một cái nhìn kiêu bạc, đùa bỡn với những thần tượng muôn thuở “xanh mắt Di nằm tót gáy o o, bạc đầu Lã ngồi dai ho lụ khụ”. Nhưng rồi ông cũng phải thấy ra rằng
Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,
Cảnh phù du trông thấy đã nực cười
Tuy vậy, Cao Bá Quát vẫn ấp ủ trong lòng khí phách, một ý chí “đạp cửa phù đồ”, “xoay cơn khí số”. Hãy chỉ nói cái nhìn của ông về một hình ảnh nói lên khát vọng mãnh liệt của ông gửi vào đó mà từ rất lâu tôi từng tự vấn: Dòng sông Hương lặng lẽ trầm mặc của quê hương tôi trong cái nhìn của Hàn Mạc Tử là
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu hoa bắp lay
thế mà Cao Bá Quát lại thấy đó là:
“Một thanh gươm dựng giữa trời xanh” (Trường giang như kiếm lập thanh thiên)
Phải nói hơi nhiều về Cao Bá Quát vì tôi thấm thía với thân phận của ông – “nghĩ lại trần ai đếch chỗ” – ông lạc lõng với thời đại của ông! Nhưng ông không thể. Và rồi với “thanh gươm dựng giữa trời xanh”, ông đã quyết đứng lên. Phải chăng tôi láo lếu khi liên tưởng đến sự “Bơ vơ đông đảo” như tên một tập thơ Việt Phương tặng tôi mà tôi cầm đọc đã sờn mép bìa.
Miên man suy nghĩ, bỗng nhớ đến một kỷ niệm: trong một buổi trao đổi giữa mấy người quen thuộc do ông Sáu Dân triệu tập, anh Việt Phương viết trên một mẩu giấy nhỏ câu thơ anh đã viết trao cho tôi đọc và hất hàm ra hiệu chuyển cho anh Đào Xuân Sâm. Mẩu giấy có mấy câu:
“Bấy nhiêu lý luận bao nhiêu nước
Chảy dưới cầu kia để lại gì”
Cũng chỉ là một câu nói đùa nhưng mấy chữ “để lại gì” là một lời tự phê phán về công việc rất nghiêm túc mà chúng tôi đang làm. Buổi ăn trưa hôm sau, tôi đưa mảnh giấy ấy cho ông Sáu Dân. Đọc xong ông cười, nhưng rồi sau đó ông chậm rãi hỏi tôi: “Anh nghĩ gì về công việc chúng ta đang làm?”. Tôi cẩn trọng trả lời: “Thưa anh, tôi cũng đồng ý với anh Việt Phương. Chúng ta đang làm với tất cả tâm huyết và sự tỉnh táo của lương tri, nhưng xem ra anh em chúng tôi đều hiểu rằng không thể triển khai được, vì cả bộ máy đương quyền hiện nay đang bị trói chặt trong một mớ giáo điều được áp đặt từ Bắc Kinh. Sự áp đặt đó được bảo kê với sự thao túng không chỉ về chính trị mà còn về kinh tế, quốc phòng và văn hoá thông qua những người ở những vị trí chóp bu mà họ đã nắm được chặt dưới cái vỏ lừa bịp là “đồng chí cùng ý thức hệ”. Sự áp đặt đó chắc sẽ còn ngặt nghèo hơn nữa mà người có bản lĩnh để đương đầu xem ra còn quá hiếm. Mà những kẻ cơ hội và nhiều tham vọng thì rồi sẽ tìm cái mặt nạ ý thức hệ để che cho tham vọng quyền lực và sự hèn nhát cúi đầu khuất phục. Tôi xin mạnh dạn nói một suy nghĩ như vậy, và cũng mạnh dạn hỏi anh, liệu có phải chính anh cũng đang bị trói chặt trong cái cơ chế ngặt nghèo ấy?”. Ông Sáu trầm ngâm không trả lời. Tôi biết là mình đã chạm vào nỗi đau của ông. Nhưng biết làm sao được nếu không nói lên một sự thật đau đớn đang giằng xé trong tim óc chúng tôi và chắc chắn cũng đang giằng xé ông. Tuy thế trong lòng vẫn có chút dằn vặt.
Tôi nghĩ đến câu nói của Marcel Proust, nhà văn được bầu chọn là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế kỷ 20 – mà dịch giả Đặng Thị Hạnh, người bạn thân quý của tôi – đã tặng tôi: “Tác phẩm cũng như những giếng phun nước, càng vượt cao lên mỗi khi nỗi đau khổ đào sâu vào trái tim”. Phải chăng đó cũng là tâm trạng của Việt Phương:
Cả đời người miệt mài trong lý luận
Vẫn mơ màng câu hỏi tuổi mười lăm…
Con đường người rộng rãi đến thênh thang
… Lâng lâng tôi lâng tự do
Buổi sáng mai nao cũng hồi hộp đợi chờ
Đọc câu thơ này của Việt Phương, tôi phân vân tự hỏi liệu đây có phải sự “hồi hộp đợi chờ” trong Chờ đợi Godot của Samuel Beckett, người mở đầu cho Kịch Phi Lý, mà khi trao giải Nobel văn chương cho Beckett năm 1969, đại diện Viện Hàn lâm Thụy Điển đã nói: “Đến cuối vở, cũng như đến cuối đời mình, ta vẫn không biết gì về Godot. Đến khi màn hạ, chúng ta không hề có gợi ý nào về cái thế lực mà chúng ta vừa chứng kiến sự hành tiến của nó. Nhưng chúng ta biết một điều, điều mà toàn bộ sự khủng khiếp của trải nghiệm này không thể tước đoạt khỏi ta: Đó là sự chờ đợi của chúng ta”.
Dẫn ra điều này, tôi tuyệt đối không có ý định gán cho Việt Phương – người “Làm lý luận như tìm gặp lời thề” – ở vào một “trường phái” này nọ, mà chỉ nói về một tâm hồn thơ trong con người làm lý luận “Thấu mọi nhẽ thăng trầm thực ảo. Thế mà khờ khạo như đám mây”. Vì anh đã từng “Làm lý luận như tìm gặp lời thề”. Anh cũng không như hai nhân vật mở màn cho vở kịch của Samuel Beckett là Vladimir và Estragon trong buổi chiều ở nông thôn nào đó. Họ đang chờ đợi Godot. Cuộc chờ đợi ấy không biết bắt đầu từ bao giờ. Và Godot cũng không bao giờ đến! Còn Việt Phương thì đã nhìn thấy, đúng hơn, mong thấy “Những đợt sóng ngầm giục giã dưới chiều sâu”.
Thế nhưng tôi hiểu. Đâu chỉ một Việt Phương “hồi hộp đợi chờ tự do”, biết bao người, trong đó có tôi, cũng “hồi hộp” chờ đợi, nhưng khác với những nhân vật trong Chờ đợi Godot của Samuel Beckett, chúng tôi tin chắc rằng “Godot” sẽ đến, và sự nghiệp mà chúng tôi dấn thân sẽ được những thế hệ kế tiếp hoàn thành.
Theo suy nghĩ của tôi, trong con người thơ Việt Phương có một nhà lý luận uyên bác, rất giàu tính chiến đấu với sức thuyết phục mạnh mẽ về tính trung thực và rất gần gũi với mọi người. Nhà lý luận ấy ít nói lý luận, đúng hơn là khi cần lý luận thì mới nói lý luận một cách vừa giản dị vừa rành rọt và hấp dẫn. Giản dị và hấp dẫn bởi chính những điều anh nói ra, viết ra đúng với con người anh, tính cách của anh, cuộc đời của anh. Chuyện này hoàn toàn không dễ. Điều này rất khác với một số nhà lý luận, hay tự phong là nhà lý luận, mà chẳng may tôi phải tiếp xúc không ít kiểu loại người ấy. Họ đang múa may quay cuồng như những con rối trong chiếc đèn cù “tít mù ta lại vòng quanh”.
Và nếu như ở trên tôi đã nhắc lại vế trước câu thành ngữ xưa “hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” (有缘千里能相遇) thì xem ra phải nhắc đến vế sau “vô duyên đối diện bất tương phùng (无缘对面不相逢). Cho dù không muốn, bởi nó chẳng hay ho gì, nhưng vì cần đặt màu đen bên cạnh để làm bật lên màu trắng trên chặng đường đời tôi không may gặp phải, nên đành phải kể ra một ví dụ, mà rủi thay tôi lại chứng kiến quá tường tận.
Chuyện là: Tôi có một người học trò, khi đi học anh ta cũng là một học sinh giỏi được thầy Phạm Bá Rô tận tình hướng dẫn môn văn. Thế rồi số phận run rủi thế nào đó, anh được phong hàm đại tá trong lĩnh vực anh ta phụ trách (về tuyên huấn hay văn hoá văn nghệ gì đó, tôi không tường). Cũng không biết cơ duyên thế nào, anh chuyển từ quân đội sang hoạt động trên lĩnh vực lý luận về văn học nghệ thuật rồi trở thành phó ban (hay gì nữa tôi không biết cụ thể) ở trung ương.
Hình như hồi đó anh đang tích cực trong việc được nâng lên học hàm giáo sư, vì vậy anh ta hăng hái cộng tác với một nhà nghiên cứu lão thành đã có những biên khảo đồ sộ về lịch sử và văn học, tác giả của 64 công trình nghiên cứu, biên khảo về lịch sử, văn hóa, văn học. Chắc là cũng để có thêm điểm tựa cho việc phong học hàm đang là điểm tựa để thăng tiến. Là tôi đoán thế.
Tôi đã tìm đọc một vài tác phẩm của ông Nguyễn Q Thắng và rất kính trọng nhà nghiên cứu có bề dày kiến thức về lịch sử về văn hoá, nên rất hân hạnh được kết bạn với ông. Nhiều lần bên ấm trà được hai lần thay bã rồi tiếp thêm trà mới, ông tâm sự với tôi những ấp ủ và dày công chuẩn bị những công trình nghiên cứu và những khó khăn phải vượt qua. Vui chuyện ông kể với tôi về việc “viết sách chui”. Tôi hỏi vì sao anh phải “viết chui”, ông cười nói là: “Tôi không cho vợ tôi biết vì sau một trận ốm thập tử nhất sinh, bà ấy không cho tôi viết nữa nên phải viết chui”.
Đó là cuốn Phong trào Duy Tân – gương mặt tiêu biểu dày 700 trang in. Và nhờ cuốn sách này, ông được Trung tâm Lưu trữ Pháp mời sang Paris dự Hội thảo Việt Nam trong giờ phút đổi mới và tham quan nhiều nơi ở Pháp. Cuốn Văn học Việt Nam nơi miền đất mới được NXB Văn hóa - Thông tin in lần đầu năm 2003. Cuốn sách phải chịu sự phê phán gay gắt thậm chí có người lên tiếng đề nghị cơ quan chức năng thu hồi và tiêu hủy. Tuy nhiên, sau đó, khi các cây lý luận phê bình văn học chịu một tác động nào đó, đã thôi không phê phán, vùi dập nữa. Tôi thì đoan chắc rằng phải có sự uốn nắn của ai đó do áp lực của công chúng muốn hạ nhiệt để tránh những phiền phức khó lường, nên bão táp của sự lên án dịu xuống.
Và rồi, học giả Nguyễn Q Thắng lại cho ra được những cuốn sách mới, trong đó có cuốn Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam dày 1.700 trang khổ lớn. Cuốn sách ấy được xuất bản và rồi được tái bản 14 lần. Bên tách trà đã nguội, ông nhẹ nhàng kể lại với tôi. Tôi thoáng nhận ra một chút ngậm ngùi trong dáng dấp suy tư của người bạn già. Nắm chặt tay ông, bỗng nhớ câu của Tư Mã Quang đời Bắc Tống, tác giả của Tư trị thông giám: “Người dáng cong vẹo thì cái bóng ắt xiêu vẹo, nguồn suối trong lành thì dòng suối ắt thanh khiết”. (Phù biểu khúc giả cảnh tất tà, nguyên thanh giả lưu tất khiết).
Tôi kính trọng sự trong lành và thanh khiết của nhà nghiên cứu ấy nên càng thú vị khi ông tự khoe rằng có một nhà lý luận đang làm việc ở trung ương, là phó hay trưởng ban gì đó muốn hợp tác với ông để cùng hoàn thành tác phẩm để cho xuất bản. Tình cờ thế nào đó mà ông ta tự cho biết ông ấy là học trò cũ của tôi. Nhà nghiên cứu lão thành hồn nhiên kể với một thái độ trân trọng và không giấu sự vui mừng. Vậy rồi, qua điện thoại, thầy trò chúng tôi có dịp nói chuyện với nhau trong niềm vui bất ngờ, rất mừng cho người học trò cũ và đặt nhiều hy vọng vào việc cộng tác giữa anh ta với người bạn già của tôi, thật lòng mong sự cộng tác này sẽ thuận buồm xuôi gió để cuốn sách được suôn sẻ xuất bản. Nhưng đột nhiên sóng gió lại nổi lên.
Một hôm ông bạn già của tôi đến với dáng vẻ bơ phờ: “Anh làm sao cứu tôi với. Chắc tiếng nói của anh với ông học trò của anh sẽ có tác dụng tháo gỡ cho cuốn sách của tôi khỏi phải huỷ bỏ”. Duyên do là trong một chương sách, ông đã nói về một sự kiện văn học mà người ta cho là “phi chính trị”, và điều này e có thể có tác động xấu đến người hợp tác biên soạn cuốn sách, và như vậy sẽ có ảnh hưởng không ít đến mục tiêu thầm kín của sự cộng tác đã nói ở trên anh học trò của tôi đã quay lưng lại với người tưởng sẽ có thể giúp anh hoàn thành mục tiêu đã định ra vợ sự hợp tác “nghiên cứu khoa học” này. Là tôi nghĩ như thế, không hiểu liệu có võ đoán không. Và rồi, tất nhiên phải tiêu huỷ toàn bộ những cuốn sách đã in xong và đóng gáy dày cộp.
Ông bạn già khốn khổ của tôi đã đưa ra một giải pháp trung hoà có thể cứu vãn được cuốn sách: Hãy cho ông tự chịu trách nhiệm và chi phí cho việc tháo gỡ mấy trang có sự “lệch lạc về quan điểm” trong chương VI (tôi không nhớ chính xác), rồi đóng lại toàn bộ tất cả sách đã in.
Thế nhưng người ta từ chối đề nghị đó của ông. Toàn bộ những cuốn sách dày cộp đã in bị xay thành bột giấy. Ông bạn già cay đắng kể lại “cái án văn chương”, trầm lặng nhìn tôi khi tôi nói với ông là tôi đã khẩn khoản nói với người học trò cũ để nhận được câu trả lời lạnh lùng và dứt khoát: “Chuyện này phức tạp lắm. Em đề nghị thầy hiểu cho và đừng can thiệp vào nữa”. Vậy rồi, một lần tình cờ người học trò cũ ngồi cùng với thầy giáo xưa trên một chuyến bay ở hàng ghế sau, phía bên trái. Khi máy bay hạ cánh, anh vội vã lách thật nhanh nhằm khỏi phải gặp người đã từng dạy mình. Nặng trĩu những suy tư, tôi xót xa trong nỗi buồn của một người thầy giáo. Nhưng biết “ăn làm sao nói làm sao bây giờ!”. Thật buồn khi phải kể lại một chuyện mà tôi cứ muốn quên đi. Dù sao đó cũng là một trường hợp ngẫu nhiên trên chặng đường đời đã qua mà tôi phải chứng kiến về một cán bộ đang làm “công tác lý luận” ở trung ương và tôi mong là cá biệt.
Nhưng xem ra cũng không là cá biệt lắm những nhà lý luận đang tựa vào cái gọi là lý luận để thăng quan tiến chức mà chẳng cần phải hiểu gì về lý luận. Không thiếu những nhà lý luận đang đăng đàn diễn thuyết về biện chứng của cuộc sống, về chân lý của cuộc sống và tính sáng tạo của lý luận, về đạo đức cách mạng… để rộn ràng những tung hô, tụng ca lý luận của những cuốn sách đóng gáy vàng dày cộp đưa ra trưng bày cho oai nhưng biết rắng chẳng mấy ai tìm đọc.
Không nhớ người nào đó đã viết mà tôi đọc được trên mạng, xin phép dẫn ra đây: “Cũng đương nhiên không thiếu những người mang danh trí thức, những “giáo sư”, “tiến sĩ” đủ loại tìm kiếm cơ hội để đánh bóng tên tuổi mình, thậm chí hành xử theo kiểu “kẻ đốt đền” Herostratus năm 356 trước công nguyên, tìm cách hạ bệ uy tín của người có tài để tự xưng mình là tài giỏi hơn mà “lưu danh hậu thế” theo đó, nhiều kẻ “đánh hôi” như điều mà Phan Phu Tiên thế kỷ XV đã lên án: “Phường dốt đặc thì ồn ào như ong đàn nổi dậy, như chó, chuột nhe răng” phụ hoạ theo! Trò đời là vậy”.
Hơn năm thế kỷ sau Phạm Phu Tiên viết lời tựa cho Việt âm thi tập với những lời tâm huyết như sau: “Lòng có chí hướng ắt sẽ thể hiện thành lời. Vì vậy, thơ là để nói lên cái chí của mình”.
Việt Phương trong tập thơ Bơ vơ đông đảo in năm 2019 cũng đã viết:
Chuyện nát đó đây nát đến nhừ
Chuyện bẩn bùn nhơ ghê tởm lắm
Chuyện ngu thăm thẳm những đường ngu
Liệu so với lời phẫn nộ của Phan Phu Tiên “Phường dốt đặc thì ồn ào như ong đàn nổi dậy, như chó, chuột nhe răng” thì đáng phẫn nộ hơn hay kém đi?
Thế rồi trong đầu tôi hiện lên câu thơ trong Di cảo thơ của Chế Lan Viên:
Ta cũng là người trong giấc mộng
Mà cuộc đời là một tối mơ dài.
Trong “Một tối mơ dài” ấy tôi không mơ, mà đang thao thức và cay đắng nghĩ đến Minh Đường, người bạn thân quý mà tôi yêu thương như người em ruột thịt hiện đang ở trong tù! Anh khiêm tốn gọi tôi là thầy, là bậc thầy và anh là một người học trò, mặc dầu tôi luôn tự thấy chính anh mới là một bậc thầy trong sự dấn thân cho lý tưởng và sự nghiệp anh đang dũng cảm và nhẫn nại cống hiến mà tôi hết sức kính phục.
Cũng là một tiến sĩ như người học trò của tôi vừa kể, cũng miệt mài làm lý luận, miệt mài một cách cần mẫn bằng một lao động trí óc nghiệt ngã với tinh thần xả thân phi thường khó ai có thể theo kịp. Suốt hơn mấy thập kỷ vừa qua, anh đã viết hơn bốn chục cuốn sách để gửi vào đấy tâm huyết, trí tuệ, khát vọng chân lý và lòng yêu nước mãnh liệt của mình.
Trước khi là nhà khoa học dấn thân vì sự nghiệp anh hùng của dân tộc trên mặt trận văn hoá tư tưởng, Minh Đường là chiến sĩ phòng không trong Đại đội Anh hùng trong cuộc chiến đấu ngoan cường của trận Điện Biên Phủ trên không lịch sử. Minh Đường tự hiểu rõ mình hôm nay cần dấn thân trên trận địa lý luận để đưa ra những kiến nghị mạnh mẽ với những lập luận khá sắc sảo cho dù không tránh được những khiếm khuyết và nhất là không thuận với những ý kiến chính thống. Tôi cũng đã thẳng thắn tranh luận với anh để gợi ra những chưa ổn của một vài luận điểm về tính cụ thể lịch sử của nó, vì vây đôi chỗ anh hơi võ đoán và hơi cực đoan, phần nào dễ rơi vào quá khích. Anh bình tĩnh nghe nhưng rồi vẫn giữ quan điểm của mình. Tôi tự nghĩ, trong khoa học sự khác nhau về quan điểm, về lập luận là điều bình thường .
Anh đã in nhiều tập sách rất đẹp. Ví như tập sách gồm ba cuốn xếp vào hộp bìa cứng in màu để gửi đến các cấp cao nhất của đảng và nhà nước những bài viết hết sức công phu ấy với tâm huyết của một người chiến sĩ đã trải qua mưa bom bão đạn. Phải chăng tâm huyết đó là sự kế thừa bản lĩnh của thân phụ anh, một bậc lão thành cách mạng từng dày dạn trong cách mạng và kháng chiến, từng đảm nhiệm những chức vụ cao trong ngành ngoại giao từ rất sớm. Thân mẫu của anh cũng là một cán bộ phụ nữ từng trải và có uy tín đã hết lòng thương yêu giúp đỡ con, kể cả việc đồng ý cho phép con trai dùng sổ đỏ ngôi nhà duy nhất đang ở, để thế chấp vay tiền ngân hàng nhằm thêm vào ngân sách để thanh toán chi phí in sách hết sức cầu toàn và quá tốn kém cũng như việc bảo dưỡng và nâng cao cơ sở vật chất với tiện nghi xứng tầm với môt trụ sở hoạt động sang trọng và đường hoàng của một cơ quan khoa học tầm cỡ mà có khi ngôi nhà 35 Điện Biên Phủ là một khơi gợi sự thèm thuồng của không ít người đang nhìn ngắm.
Trước khi bị bắt giam, anh đã thường xuyên bị thẩm vấn, tôi khuyên anh hãy tạm dừng không viết lách gì thêm nữa để xem sự việc diễn biến ra sao, nhưng Minh Đường không tự kiềm chế được khí phách của người lính đã từng ngẩng cao đầu. Anh nói với tôi qua điện thoại: “Em phải tự bảo vệ mình bằng những lập luận mà em vững tin ở tính khoa học và tính chính trị đúng đắn, được công khai trình bày với cấp trên với mong mỏi họ tiếp nhận và tranh luận với em nhằm tìm ra chân lý, tìm ra công lý một cách công khai minh bạch như đảng đã kêu gọi. Em không làm một điều gì phản khoa học, phản chế độ. Cây ngay không sợ chết đứng”. Tôi hiểu ông em tôi cũng như tôi, vẫn kiên trì môt mục tiêu sống bất chấp những trở ngại và vẫn nhớ lời của nhà đại văn hào Pháp: “Linh hồn của con người vẫn cần lý tưởng hơn thực tế. Chúng ta tồn tại nhờ thực tế; nhưng chúng ta sống vì lý tưởng”.
Nhưng Minh Đường ơi, hãy đọc lại câu thơ chua chát của Hồ Chí Minh trong Nhật ký trong tù:
Tự do thử hỏi đâu là, Lính canh trỏ lối thẳng ra công đường
(Tá vấn tự do hà xứ hữu.Vệ binh dao chỉ biện công môn)
Tôi những muốn Minh Đường dõng dạc hỏi những người đã bắt giam mình bằng chính câu thơ của Hồ Chí Minh hỏi những kẻ vô cớ bắt mình mà tôi đã đọc, để họ minh bạch và công khai trả lời cho anh, cũng là cho những người đang lo lắng và phẫn nộ dõi theo số phận của một nhà khoa học dấn thân cho sự nghiệp cao cả vì nước vì dân như anh:
Phạm tội gì đây ta thử hỏi
Tội trung với nước với dân à
Thật mỉa mai khi mà người ta đang rầm rộ tuyên truyền cho phong trào hô hào, thúc đẩy hoạt động đại đoàn kết toàn dân và kêu gọi phát huy nhân tài, trí thức – bộ phận tinh hoa của đất nước – thì người ta lại tống giam Minh Đường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển SENA!
Chao ôi, thế là “Godot” không đến với tiến sĩ Minh Đường yêu quý đang nằm trong tù của chính chế độ mà anh đã cầm súng để bảo vệ nó với cháy bỏng một lý tưởng cứu nước cứu dân.
Rồi liệu có “đợt sóng ngầm giục giã dưới chiều sâu” thúc đẩy cho sự phi lý được giải toả, công lý được thực hiện mà Việt Phương mong đợi? Sức cuộn chảy mạnh đến đâu, tôi tự hỏi?
Liệu người chiến sĩ của “Điện Biên Phủ trên không” dạo nào giờ đây nằm trong tù có ngâm câu thơ của Trần Tử Thành thế kỷ XIV trong Thu nhật ngẫu thành đã dẫn ra trong cuốn sách của tôi mà anh là người viết lời giới thiệu để tự an ủi mình và cũng để giúp tôi giải toả nỗi đau thầm kín cứ muốn quên đi:
Đứng một mình, ngọn gió tây thổi bay mái
Năm tháng lừng lững trôi đi, không giữ được
Trước sai, nay đúng, chỉ lòng mình biết
Và tôi lại nhớ đến Chế Lan Viên:
Bài thơ anh anh làm một nửa mà thôi
Còn một nửa cho mùa thu làm lấy
Cái “mùa thu” ấy của Chế Lan Viên đến tự bao giờ hay rồi sẽ đến? Còn những nhân vật của Samuel Beckett như Vladimir và Estragon trong buổi chiều ở nông thôn. Họ đang chờ đợi Godot. Cuộc chờ đợi ấy không biết bắt đầu từ bao giờ.
Liệu đó có phải là cuộc chờ đợi của Việt Phương:
Lâng lâng tôi lâng lâng tự do
Buổi sáng mai nao cũng hồi hộp đợi chờ
Liệu có phải “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy. Cảnh phù du trông thấy đã nực cười” như Cao Bá Quát đã ngao ngán tự ngẫm, để rồi không chịu thu mình lại “Đắp tai ngảnh mặt làm ngơ, Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây”, ông vẫn giữ kín trong lòng một “trường giang như kiếm lập thanh thiên”[2] để sẽ vung lên phá tan xiềng xích. Mà đâu chỉ có một ý chí, một khí phách Cao Bá Quát!
Chiếc đồng hồ nhỏ xíu mà ông Đại sứ Thuỵ Sĩ Charles Hirsman tặng tôi dạo nào vẫn đang gõ nhịp thời gian giục giã tôi phải sống sao đây trong quãng đường đời sắp tới. Cho dù “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”. Tôi hững hờ, không thể hững hờ. Trái tim tôi vẫn thảng thốt đập mạnh với những gì chưa làm được vì
“Tôi chợt biết rằng vì sao tôi sống
Vì đất nước cần một trái tim”.
~~~
Chú thích ảnh từ trên xuống, ở các trang từ trái qua phải
Ban thờ Trịnh Công Sơn 1.4.2023
Trang 3: Trần Mạnh Tuấn, Tấn Sơn, Trịnh Vĩnh Trinh trình diễn trong đêm Giỗ tại nhà
Trang 4: Carl Thayer
Trang 5: Tương Lai, Charles Hirsman và phu nhân. Danh thiếp của Thomas Fuller
Trang 6: Benedict Kerkvliet. Tương Lai và Đại sứ Thuỵ Sĩ. Đại sứ Anh và Tương Lai
Trang 7: Cao Bá Quát
Trang 8: Việt Phương, Tương Lai trong buổi họp với ông Sáu Dân
Trang 9. Nguyễn Q Thắng
Trang 11: Minh Đường, Tương Lai. Hộp đựng sách và bìa sách của Minh Đường
Trang 12: Bìa sách Ngục trung nhật ký
Trang 13: Chiếc đồng hồ của Đại sứ Thuỵ Sĩ tặng đặt dưới chân máy tính trên bàn làm việc cạnh chiếc kính lúp đọc sách. Tương Lai với Trịnh Công Sơn
Ngày 10 .4. 2023
[1] Những câu thơ của Việt Phương đều trích trong tập thơ Bơ vơ đông đảo, còn lại là trong bàn chép tay Việt Phương gửi cho tôi.
[2] Thơ Nguyễn Khuyến.
No comments:
Post a Comment